29 thg 8, 2010

Gặp mặt học sinh cũ ở Thanh Hà

Các thấy cố năm xưa dạy các em
Mấy ngày trước các em gọi điện mời thầy cô về dự buổi gặp mặt sau 20 năm ra trường. Tôi thành thật không nhận ra khoá học sinh này chẳng hiểu vì sao các em lại mời về. Tôi nhận lời, các em hẹn thời gian đến đón tôi.
Các em hát tặng các thầy
                  
Về đến trường không nhận ra em nào tôi thành thật nói: Các em hãy giới thiệu các bạn để tôi biết- Hoá ra tôi dạy các em một năm sau đó tôi chuyển về trường Năng khiếu Hải Hưng.
Các em nhắc lại kỉ niệm mà tôi không còn nhớ: "Hôm thầy gọi em lên bảng chữa bài, em làm đúng đáp số thầy bảo
"Một bài toán có nhiều cách giải khác nhau, nhưng hãy lựa chọn cách nào đến với kết quả hay nhất" Điều đó không chỉ đúng cho học toán mà em luôn nghĩ trong cuộc sống cũng vậy, làm việc gì cũng phải suy nghĩ cho kĩ sao cho công việc có kết quả tốt nhất. Tôi vui khi thấy các em nói ra những điều như vậy.
Tôi bổ sung " Bây giờ thầy muốn nói lời giải ngắn chưa phải đã là hay, lời giải dài chưa chắc đã là dở. Cái quan trọng là lời giải nó thể hiện ý tưởng gì trong đó"
Thày và trò (Bấm vào xem anh rõ hơn)
                       
Các em đưa về KS "Bốn sao" lần đầu tiên tôi mới được nghỉ giá hàng trăm đô một phòng.
         
      

28 thg 8, 2010

Lãnh đạo Đài truyền hình Việt Nam xin ra khỏi biên chế.


     Mấy ngày nay giới báo chí ở Việt Nam, đặc biệt là các đồng nghiệp trong ngành phát thanh, truyền hinh xôn xao bàn tán tin động trời Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn- Phó Tổng giám đốc thường trực Đài Truyền hình Việt Nam tuyên bố rút không ứng cử vào Ban chấp hành Đảng bộ Đài truyền hình Việt Nam khóa IX với lý do sẽ đệ đơn lên Thủ tướng Chính phủ xin chuyển công tác khỏi Đài Truyền hình Việt Nam.
    Theo tin từ Hà Nội: Trong 2 ngày 24 và 25/8 mới đây, Đại hội Đảng bộ Đài truyền hình Việt Nam khóa IX đã được tổ chức. Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn- Phó bí thư Đảng ủy khóa VIII, Phó Tổng giám đốc thường trực Đài truyền hình Việt Nam ở tuổi 53 đã tuyên bố rút không tham gia cấp ủy khóa mới. Lý do ông Trần Đăng Tuấn đưa ra là sẽ đệ đơn lên Thủ tướng Chính phủ xin chuyển công tác khỏi Đài truyền hình Việt Nam.
    Ông Trần Đăng Tuấn sinh năm 1957 là tiến sỹ đầu ngành truyền hình được đào tạo bài bản từ Đại học tổng hợp Lomonoxop và Viện hàn lâm khoa học ở Liên Xô cũ. Ông Trần Đăng Tuấn đã có hơn 20 năm công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam. Ông có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng chiến lược Đài truyền hình Việt Nam giai đoạn 1996- 2000 và 2000- 2010. Là người nêu ý tưởng và thực hiện việc mở nhiều kênh sóng truyền hình từ điểm xuất phát VTV chỉ có 1 kênh, phát sóng vài tiếng trong 1 ngày. Đặc biệt, ông đã đề xuất ý tưởng tự thu, tự chi trong bối cảnh nhận thức chính trị của lãnh đạo Việt Nam về báo chí còn khắt khe, thiển cận. Thời ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng ông đã bảo vệ thành công trước Chính phủ đề án để truyền hình Việt Nam có được doanh thu hơn 2000 tỷ tự lo tiền lương và tái đầu tư như ngày hôm nay.
    Phó Tổng giám đốc Trần Đăng Tuấn, là một người lãnh đạo có năng lực, có uy tín không chỉ được cán bộ, viên chức Đài Truyền hình Việt Nam mến mộ mà còn được các bạn đồng nghiệp trong ngành truyền hình cả nước tín nhiệm, đánh giá cao. Việc ông Trần Đăng Tuấn, Phó Tổng giám đốc ra đi được nhiều cán bộ công nhân viên tâm huyết của Đài truyền hình Việt Nam đánh giá là rất đáng tiếc cho ngành truyền hình, nó cũng cho thấy những người có năng lực thật sự, có đức độ thật sự nhưng trong xã hội Việt Nam hiện nay họ không cam chịu uốn lưng, luồn gối nịnh bợ. Được biết, sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn sẽ ra ngoài làm việc tại một Công ty truyền hình vệ tinh tư nhân.

25 thg 8, 2010

Nhà toán học và bầy cừu


 Bài Của Hiệu Minh               
  Thời công tác ở Hà Nội những năm 1980, tôi quen hai anh chuyên toán Vũ Đình Hòa và Bùi Việt Hà. Vũ Đình Hòa trước làm ở Viện Tin Học, sau chuyển sang viện Mật mã. Bùi Việt Hà sau khi trôi dạt khắp nơi, hiện phụ trách Công ty Công nghệ Tin học Nhà trường rất nổi tiếng.
Các anh đã giúp không biết bao nhiêu học sinh đạt giải toán, tin quốc tế. Gọi họ là những nhà toán học siêu việt chẳng sai chút nào.

Những nhà toán học
Vũ Đình Hòa giảng giải về các thuật toán mật mã thì người nghe như bị thôi miên. Anh nhìn ra vẻ đẹp của toán học như nhà tạo mẫu thấy các chân dài trên sàn diễn. Cái đẹp của thân thể thì cả triệu người đều rõ, nhưng nét lung linh và kỳ ảo của thuật toán có lẽ chỉ vài người như Vũ Đình Hòa mới thấy được.
Bùi Việt Hà tham gia bồi dưỡng đoàn học sinh thi tin học quốc tế trong rất nhiều năm. Làm việc cùng nhau nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ, mình có thể giải những bài toán anh ra cho học sinh bằng lập trình Pascal trên máy tính.
Ngoài các anh ra, tôi còn biết khá nhiều các nhà toán học siêu phàm, những người thông minh thuộc loại nhất nhì tại Việt Nam. Có thể gặp ở Viện Toán, Đại học Tổng hợp, Viện Tin học và nhiều trung tâm nghiên cứu hay giảng dạy khác. Họ lý giải những vấn đề hóc búa của toán học nhẹ nhàng như ta lướt web.
Nhắc đến Bùi Việt Hà và Vũ Đình Hòa vì “hình như” một thời dạy Giáo sư Ngô Bảo Châu, người vừa được giải Fields, một giải Nobel toán học thế giới.
Người làm toán không ngạc nhiên khi nghe tin Ngô Bảo Châu được giải Fields, nhất là các thầy cô hay bạn của anh. Đó không phải một ngôi sao bỗng nhiên sáng trên bầu trời nước Việt. Truyền thống yêu toán ăn sâu vào tiềm thức học sinh phổ thông trong một thời gian rất dài và đến lúc này đơm hoa kết trái.
Có những người thầy giỏi thì trò đoạt giải Nobe, chẳng có gì lạ. Được đầu tư đúng mức như bác Tạ Quang Bửu từng làm, người từng coi toán học là chìa khóa cho mọi ngành nghề, có những lãnh đạo như Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn coi trọng trí thức là nguyên khí quốc gia.
Trường chuyên lớp chọn thời đó đã tạo ra một lớp người giải toán quỉ cốc thần sầu. Dự thi quốc tế thường đoạt hết các giải lớn bé.
Sỹ tử nghèo chẳng có gì ngoài cái bút chì và tờ giấy nháp. Người yêu toán có thể suy tư và tìm lời giải ở mọi nơi mọi chỗ, trên bảng đen, ngoài đường, trên bãi biển. Chẳng cần phòng thí nghiệm cao siêu, máy bắn gia tốc đắt tiền như bên hóa, vật lý hay sinh học. Toán học rất hợp với nước nghèo.
Chỉ có điều, những người giỏi toán ấy lại mê toán học như một thứ ma túy. Họ quên rằng trên đời này, ngoài lý thuyết mầu xám với công thức đẹp, thuật toán hay, bổ đề chỉ có giá trị sau vài trăm năm, thì cây ngoài đời hiện tại rất cần mầu xanh.
Có lẽ vì thế mà những gì mà toán học mang lại chỉ gói gọn trong sàn diễn của chính những người làm toán. Họ tự tìm tòi, tự vui buồn và đôi khi…tự sướng, như một cây toán đã giải nghệ từng tâm sự.
Không phải ngẫu nhiên, Nobel di chúc dành số tiền cho các giải thưởng, không có toán học, chỉ dành cho kinh tế, vật lý, hóa học, y học hay kể cả Nobel hòa bình, vì chúng thiết thực với số đông nhân loại.
Điều gì sẽ xảy ra nếu như những trí tuệ bác học như Ngô Bảo Châu, Vũ Đình Hòa hay Bùi Việt Hà được dùng trong những ngành nghề khác. Rất có thể đóng góp cho quốc gia lại nhiều hơn gấp bội.
Ngô Bảo Châu được giải Nobel toán học nói lên tiềm năng trí tuệ của nước ta rất cao nhưng không được khai thác và sử dụng đúng mục đích. Biết anh Châu được cả Tổng thống Pháp vinh danh thì càng vui hơn vì Giáo sư là người của toàn cầu hóa.
Nếu anh tìm lời giải cho bổ đề Langlands ở Viện Toán trên Nghĩa Đô (Hà Nội) hay tại một trường đại học nào đó ở Việt Nam thì niềm vui nhân lên gấp bội. Dù bổ đề kia chả đóng góp gì cho xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam, nhưng hiện tượng Ngô Bảo Châu mang đến niềm tin mãnh liệt cho dân tộc đang cố bơi ra biển lớn.
“Sự im lặng của bầy cừu – The silence of the lamps”
Kết thúc entry, tôi muốn bàn về lời phát biểu về lề trái, lề phải và đàn cừu của Giáo sư Ngô Bảo Châu.
Bầy cừu. Ảnh minh họa
Xin trích nguyên văn trên blog của Giáo sư viết sau khi được giải Fields “Có một vài bác không quen, bình thường cũng tỏ ra rất hiểu biết,  lần này cứ thắc mắc về chuyện NBC là lề trái hay lề phải. Xin thưa, bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”.
Câu chuyện lề phải, lề trái là do ông Bộ trưởng Bộ 4T đưa ra cho báo chí như một thông điệp định hướng truyền thông quan trọng. Tôi không bàn về chuyện “lề” là đúng sai vì dễ gây hiểu lầm. Đất nước mình nó thế.
Không phải ai sinh ra cũng có tự do như mong muốn, cho dù họ ở Việt Nam, châu Phi hay ngay tại nước Mỹ. Và thế nào là tự do, một khái niệm cả nhân loại tìm mãi chưa ra định nghĩa. Nó không rõ ràng như những tiên đề trong toán học.
Tuy nhiên, gọi người bám theo lề như con cừu thì có nên chăng, nhất là giáo sư vừa được giải Fields cách đó vài ngày. Việc phân biệt thiên tài không đi với bầy cừu như một bài báo sau đó bình luận liệu có hợp ngữ cảnh.
Đã là thiên tài phải phục vụ nhân loại, đi cùng nhân loại. Nếu đứng một mình thì chẳng hiểu thiên tài kia phỏng có ích chi. Những người chưa có tự do hoặc đang khao khát tự do, phải nương tựa vào nhau, men theo lề để tồn tại, bị coi như đàn cừu thì liệu mệnh đề trên còn mang chút tinh tế nào của toán học.
Viết tới đây tôi chợt nhớ ra bộ phim Mỹ rùng rợn “Sự im lặng của bầy cừu” nói về một kẻ ăn thịt người Lechter bị giam ở Maryland (bang gần nhà HM) đối đầu với cô sinh viên tập sự FBI Clarice. Người ta hy vọng Lechter giúp cung cấp thông tin về tâm lý tên sát nhân giết người hàng loạt tên là Bill Buffalo. Hắn đã bắt cóc con gái bà Nghị sĩ.
Lechter đòi hỏi biết về đời tư của Clarice để đổi lấy những thông tin quan trọng về vụ án. Clarice kể cho Lechter về ký ức thơ ấu khi cô sống ở nhà họ hàng, nửa đêm thường nghe thấy tiếng cừu non kêu thảm thiết.
Một đêm tỉnh dậy, cô chứng kiến cảnh họ giết những con cừu ấy nên mở cửa chuồng mong giải thoát cho chúng. Bị phát hiện, cô bỏ chạy chỉ kịp bế theo một con cừu nhưng rồi nó cũng chết. Những tiếng kêu của đám cừu ám ảnh cô suốt cuộc đời.
Với mong muốn thoát khỏi nỗi sợ hãi, Clarice đã rất cố gắng trong vụ giải cứu con gái bà Nghị sĩ. Nếu không thành công thì suốt đời cô phải chung sống với những tiếng kêu thảm thiết.
Kết thúc phim, Bill Buffalo, kẻ chuyên thiết kế y phục phụ nữ bằng da người sống, bị giết. Con gái bà Nghị sĩ đã được giải thoát và cô Clarice vượt qua nỗi ám ảnh của chính mình.
Đàn cừu non im lặng trong phim chẳng liên quan gì đến con cừu “theo lề” của giáo sư Ngô Bảo Châu. Cô Clarice không được giải Fields. Cô chỉ là thiếu nữ yếu đuối, sợ tiếng kêu lạ trong đêm. Nhưng sự dũng cảm của Clarice cố vượt lên nỗi sợ hãi để cứu đàn cừu non rất đáng khâm phục.
Trong lúc ấy tại Việt Nam, đất nước đang chuyển mình, việc ẩn dụ đàn cừu để chỉ số đông “đi theo lề” có thể làm cho giải quốc tế bớt đi chút ánh hào quang. Đã là người của công chúng thì khó hơn rất nhiều so với làm “Hòa thượng Thích làm toán”.
Còn tôi đang băn khoăn, hai thầy Vũ Đình Hòa, Bùi Việt Hà và phần đông bạn đọc đang bước theo lề nào đây.
Hiệu Minh. 24-08-2010

22 thg 8, 2010

HÃY HIỂU CHÍNH MÌNH

   Mấy ngày nay báo chí trong nước đưa tin và đánh gía cao Ngô Bảo Châu điều đó là hoàn toàn đúng đắn vì giải Fields có từ năm 1936 mới chưa đầy 50 nhà toán học trên thế giới nhận giải. Có báo đưa cả Bổ đề cơ bản và chương trình “Leng –leng” cho dân ta biết. Tôi không hiểu sâu lắm, cứ tạm dịch nôm như thế này:
Cách đây khoảng 30 năm, một nhà toán học Canada tên Robert Langlands đã công bố rằng hai lí thuyết số học và lí thuyết nhóm có sự liên quan rất đa dạng. Quan điểm của Robert và cách thể hiện quan điểm đó đã làm cho nhiều nhà toán học thực sự choáng! Choáng chính cả với ông.
   Ông Robert tựa như đang đứng trên đảo nhỏ. Nhìn về phía Đông là một con tàu lớn. Nhìn về phía Tây cũng là một con tàu lớn. Hai tàu không có người lái, trôi trên mặt biển. Robert không nhìn kỹ được nhưng vẫn cho rằng hai con tàu đó có nhiều điểm chung. Có khi sản xuất cùng loại thép, chân vịt cùng cỡ. Bánh lái của “tàu Đông” hướng về phía tay phải thì bánh lái của “tàu Tây” sẽ tự động hướng về phía tay trái.
Ông Robert nghĩ cần phải có “một sợi dây” móc hai tàu với nhau và ông cùng học sinh làm mấy lần đều thất bại. Người đã thử rồi làm thật, đã nối được hai con tàu đó lại với nhau chính là GS Ngô Bảo Châu Việt Nam.
Năm 1946 sau ngày độc lập Bác Hồ có viết “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quấc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần rất lớn công học tập của các cháu…” GS Ngô Bảo Châu đã làm được điều này và Việt Nam đã ngang hàng với nhiều nước trên thế giới.
     Những lần giao lưu với học sinh thi toán Quốc tế, bọn Tây thường bảo học sinh của ta "tao lạ cho chúng mày một đất nước chiến tranh như vậy, nghèo đói là thế sao chúng mày giỏi thế. Những Bất đẳng thức rất rất khó trong đề thi IMO chúng tao bó tay mà chúng mày giải ngon. Sao chúng mày không biết vận dụng để đưa kinh tế đất nước lên, đừng để quanh năm đi vay mượn. Dân tộc Việt Nam vẫn băn khoăn lo lắng tự hỏi mình: Dân tộc ta sẽ đi lên như thế nào, vị thế của chúng ta ở đâu trên thế giới? Điều đó đòi hỏi ngành Giáo dục đóng góp công sức để trả lời câu hỏi này.
   Có một giáo sư nổi tiếng đã nhận xét “Những quốc gia càng được thiên nhiên ưu đãi thì càng có nguy cơ tụt hậu”. Lời lý giải đến từ chính những quốc gia không được thiên nhiên ưu đãi: Phải dùng nỗ lực của con người để vượt qua những bất công của thiên nhiên. Không ai nhiều dầu lửa hơn các nước Trung Đông, nhưng chưa có quốc gia nào ở đó vượt lên để gia nhập nhóm “các nước phát triển” mà mãi vẫn dừng lại ở “các nước đang phát triển”. Không đâu đất đai rộng lớn hơn châu Phi. Nhưng hầu hết các quốc gia ở đó vẫn đang ở mức “kém phát triển”. Nhật Bản, Phần Lan, Ireland… là những nước nghèo tài nguyên nhất, nhưng đã vươn lên thành những quốc gia giàu có hàng đầu. Trong khi đó các sách giáo khoa Việt Nam chúng ta vẫn dạy trẻ em: Nước ta rừng vàng biển bạc, tài nguyên dồi dào, dân tộc anh hùng ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông, đánh thắng nhiều đế quốc lớn....
   Có người còn nêu câu hỏi: Vào WTO chúng ta sẽ bán cho thế giới cái gì, họ giúp ta được những gìớcuốt ngày báo, đài, tivi đưa tin nước ta đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo và cà phê, đứng thứ nhất thế giới về xuất khẩu hạt tiêu và hạt điều. Nhưng mấy năm nay có thấy tiến bộ gì đâu.Nông đân vẫn khổ, được mùa lại càng thêm lo.
    Nhà báo Thomas Friedman của tờ báo New York Times đã đưa ra khái niệm dùng trọng lượng của sản phẩm để so sánh trình độ quốc gia. Hãy xem một ví dụ: để thu được 500 USD, người ta có thể làm gì?
      Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam bán 5 tấn than đá.
      Nông dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long bán 2 tấn gạo.
      Trung Quốc bán chiếc xe gắn máy trọng lượng 100 kg.
      Hãng Sony bán chiếc tivi trọng lượng 10 kg.
      Hãng Nokia bán chiếc điện thoại trọng lượng 0,1 kg.
      Hãng Intel bán con chip máy tính trọng lượng 0,01 kg.
      Hãng Microsoft bán một phần mềm trọng lượng 0 kg.
  Sức mạnh của vó ngựa đã từng giúp Mông Cổ hay đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) bá chủ một thời, sức mạnh của cánh buồm rộng lớn đã giúp Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha thống trị thế giới. Rồi đến thời sức mạnh của những chiếc động cơ hơi nước đã giúp nước Anh chiếm lĩnh khắp nơi để họ có thể nói “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất Anh”. Tất cả đã lùi vào dĩ vãng.
    Ngày nay, tất cả những quốc gia trở nên hùng mạnh đều nhờ vào một yếu tố: trình độ giáo dục, và từ đó là trình độ công nghệ. Đấy là kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức. Điều này các nhà quản lí vĩ mô ở Việt Nam đã nhận thức ra, nhưng để thực hiện khó quá. Suốt ngày đi đuổi bắt mấy người không đội mũ bảo hiểm, đi cắt băng khánh thành, xúc mấy xẻng đất khởi công nhà máy, khu đô thị, xử kiện tham nhũng … như vậy còn có thời gian đâu để suy nghĩ phát triển học thuyết xây dựng đất nước, phát triển kinh tế. Quay đi bán bán khoáng sản và cho thuê đất trồng rừng. Như thế mãi mãi là “Chúa chổm” và vợ chồng “Chị Dậu” mà thôi.
Chẳng thế để chọn các cháu vào đại học đề thi phải “hay và khó” đến nỗi anh bạn tôi luyện thi toán phải kêu lên:
  "Ra kiểu đểu, quá khó với học sinh, đáp án đưa ra từ hệ phương trình chuyển về xét hàm số f(2x) đã vậy rồi lại còn hàm số g(x) mà hàm số học ở lớp 10, đ..đứa học sinh nào nghĩ ra điều ấy, thử hỏi mấy ông ra đề ngồi trong phòng thi có làm nổi không? Khó hơn cả đề thi học sinh giỏi Quốc gia, thi Toán Quốc tế, cả nước có mấy em được điểm tuyệt đối môn toán khối A."
    Thật khác người cách chọn nhân tài của người Việt Nam.

20 thg 8, 2010

MỘT TÀI NĂNG TRẺ

Vũ Quần Phương và con trai Vũ Hà Văn
Mấy ngày nay báo chí trong và ngoài nước nói nhiều GS Ngô Bảo Châu, Ngô Bảo Châu đã làm “rạng rỡ non sông Việt Nam, sánh vai với các cường quốc năm châu”. Sau Ngô Bảo Châu không thể không nhắc tới một tài năng trẻ Vũ Hà Văn, anh là con trai cả của bác sĩ - nhà thơ Vũ Quần Phương, có lần nói chuyện với Vũ Quần Phương anh rất tự hào về Văn, tên Văn nhưng lại đi theo toán. Vũ Hà Văn được công nhận là giáo sư tại Viện Toán học Việt Nam . Sinh tại Hà Nội học chuyên toán Hà Nọi – Amstedam. Văn tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Eotvos, Budapest , Hungary năm 1994, đỗ tiến sĩ tại Đại học Yale, Mỹ năm 1998.

Năm 2008 Vũ hà Văn được tặng Giải thưởng Polya, đây là giải thưởng do Hội Toán công nghiệp và ứng dụng (Society for Industrial and Applied Mathematics/ SIAM) của Mỹ lập ra từ năm 1969, trao hai năm một lần, lần lượt cho những ứng dụng nổi bật về lý thuyết tổ hợp và những đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực khác mà George Polya từng yêu thích như: lý thuyết xấp xỉ, giải tích phức, lý thuyết số, đa thức trực giao, lý thuyết xác suất... Giải thưởng này chủ yếu dành cho những công trình mới, hiếm khi cho những thành tựu trong quá khứ.
Tính đến nay, Vũ Hà Văn đã công bố hơn 80 công trình - một con số rất đáng nể; có những công trình được in trên các tạp chí toán học đỉnh cao thế giới như Annals of Mathematics (Niên giám toán học), Journal of AMS (Tạp chí của Hội Toán học Mỹ)... Các bài báo của anh được trích dẫn nhiều, tức là đạt chỉ số ảnh hưởng (impact index) cao. Nhắc tới anh không quên cuốn Additive Combinatorics dày 500 trang (Toán học tổ hợp cộng tính) của hai tác giả Terence Tao và Van H. Vu, do Viện Nghiên cứu toán học cao cấp Đại học Cambridge (Anh) xuất bản năm 2006.
Ngô Bảo Châu và Vũ Hà Văn là hai giáo sư trẻ nhất Việt Nam . Dù sống và làm việc ở nước ngoài nhiều năm, cả hai anh vẫn giữ quốc tịch Việt Nam .

19 thg 8, 2010

Ngô Bảo Châu đón nhận huy chương

Gian - dỏm chẳng phải chuyện nhỏ

  Trong khi chờ đợi giờ G Ngô Bảo Châu nhận huy chương Fields . Mỗi khi về nước Ngô Bảo Châu thường đến thăm GS Hoàng Tuỵ, một người thầy mà Ngô Bảo Châu quí mến và kính trọng.
Xin giới thiệu mọi người cùng đọc bài của GS Hoàng Tuỵ ngày gần đây:
Gần đây rộ lên chuyện một số cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh mua bằng tiến sĩ, thạc sĩ từ các đại học dỏm ở nước ngoài. Thật ra đây không phải là chuyện mới, mà đã xảy ra ít nhất từ mươi lăm năm nay, và không phải chỉ có mua bằng thạc sĩ, tiến sĩ mà cả những chức danh cao hơn như: viện sĩ, giáo sư danh dự, chuyên gia lỗi lạc, danh nhân thế giới, v.v… Chỉ có khi lộ liễu quá và vì sự ngẫu nhiên nào đó (rủi cho đương sự) thì sự việc mới bị xới tung lên, còn thường thì chuyện mua bán bằng này vẫn xuôi chèo mát mái.
Ở xứ ta, bằng cấp chưa cần biết thật hay dỏm từ lâu vốn đã được ưa chuộng quá mức, bằng cấp càng cao càng danh giá và có thể là bàn đạp để thăng tiến nhanh trên quan trường. Từ thời cụ Nguyễn Khuyến đã có tiến sĩ giấy, từ thời Vũ Trọng Phụng đã có những Xuân Tóc Đỏ, huống bây giờ toàn cầu hóa, hội nhập, kinh tế trí thức.
Đáng lo hơn là sự sản xuất hàng loạt thạc sĩ, tiến sĩ kém, dỏm, do các đại học lớn của ta liên kết đào tạo với những đại học nước ngoài chất lượng không bảo đảm, kiểu như Đại học Irvine, Đại học Southern Pacific và các đại học trong danh sách đã được công khai gần đây, có khi còn tệ hơn nữa. Có thể lãnh đạo các đại học của ta bị choáng ngợp bởi những quảng cáo lừa mị, nhưng cũng có thể vì những động cơ khác, không loại trừ chạy theo lợi nhuận bất chấp chất lượng.

Mấy ngày qua công luận đã có những ý kiến phê phán rất xác đáng. Tuy nhiên đây chỉ mới là phần nổi của tảng băng. Cần phải đi sâu hơn, phân tích kỹ hơn để nhận dạng đầy đủ căn nguyên cái tệ nạn đáng hổ thẹn này nó là con vi rút ẩn mình đang gây ra những căn bệnh hiểm nghèo tàn phá dữ dội cơ thể xã hội ta nếu không lo chữa chạy.
Nói cho đúng, cái bằng tiến sĩ của ông Phó Bí thư Yên Bái hay ông Giám đốc Sở Thông tin Du lịch Phú Thọ cũng là bằng thật, đâu phải bằng giả, được cấp bởi một đại học hoạt động công khai, đúng pháp luật của nước sở tại. Điều kiện trả tiền để được cấp bằng thì họ cũng chẳng giấu giếm, không thể bảo họ lừa đảo. Mà ngẫm cho kỹ, các bằng ấy có gì khác các bằng tiến sĩ thật, do một số đại học kém chất lượng của ta cấp những năm qua. Ai dám chắc trình độ các tiến sĩ giấy khá hơn các tiến sĩ “dỏm”? Đi xa hơn, hàng loạt giáo sư, phó giáo sư trong số đã được Nhà nước long trọng công nhận trước sự chứng giám của các bậc hiền tài Quốc Tử Giám đã chắc gì không phải là giáo sư “giấy”, giáo sư “dỏm”, ngay cả theo tiêu chí quốc tế thấp nhất. Ngoài ra còn mấy tá viện sĩ mua được hay chạy được từ các nước ngoài nữa. Dĩ nhiên ở đây tôi không gộp những viện sĩ thứ thiệt do các viện hàn lâm nghiêm chỉnh bầu chọn, nhưng số này rất ít, và họ thường ít xưng danh vì thừa hiểu “ Hữu xạ tự thiên hương”
Kể ra thì ngay cả các chức danh viện sĩ mua được hay chạy được cũng đều là “thật” cả vì đều có giấy chứng nhận hẳn hoi là thành viên (member) của những tổ chức mang tên viện hàn lâm, viện tiểu sử danh nhân, hoạt động đàng hoàng ở Mỹ, Anh, Nga,... Các viện này rao bán các chức danh chẳng khác gì các đại học bán bằng cấp với giá rẻ, có khi chỉ cần vài ba trăm USD cũng đã có chức danh “thành viên” (member) của viện hàn lâm này nọ (mà thành viên viện hàn lâm thì lập tức được dịch ra là viện sĩ), hay “danh nhân thế giới” (có tên trong tập sách Who’s Who của họ), “chuyên gia quốc tế hàng đầu”, “bộ óc vĩ đại”, v.v. Cũng có khi chẳng phải trả đồng nào gặp lúc họ khuyến mãi. Một số các viện đó (kiểu như Viện Hàn lâm New York của Mỹ, hay Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên của Nga) thật ra là những hiệp hội khoa học, kết nạp hội viên rất rộng rãi (có khi đến hàng mấy vạn hội viên), chỉ cần đóng một khoản tiền hay nộp niên liễm một lần là được cấp giấy chứng nhận hội viên (dịch ra tiếng Việt thành viện sĩ - thành viên của một viện hàn lâm). Ở các nước phát triển, chẳng mấy ai coi trọng các chức danh dỏm đó. Của đáng tội, thỉnh thoảng cũng có vài bạn Việt kiều về nước mang những thứ đó ra khoe, gây thêm nhiễu vào một môi trường đã rối ren.
Vậy xét cho cùng việc mua bằng tiến sĩ của hai ông Ngọc và Ân (Phó Bí thư tỉnh và Giám đốc Sở) cũng không sai trái gì ghê gớm hơn việc tương tự của nhiều vị viện sĩ, danh nhân thế giới, bộ óc vĩ đại, v.v. Cái sai đáng chê trách nhất là từ phía cơ quan đã khuyến khích họ mua bằng tiến sĩ hay thạc sĩ để thăng chức. Còn nếu ai đó xưng danh rõ ràng tiến sĩ Đại học Irvine, tiến sĩ Đại học Southern Pacific, hay viện sĩ Viện Hàn lâm New York, thì đó cũng là quyền tự do của mỗi người. Cái sai lớn nhất ở chỗ chỉ lập lờ “tiến sĩ, viện sĩ,” không cho ai biết là tiến sĩ viện sĩ để diện chơi hay tiến sĩ, viện sĩ danh giá thứ thiệt. Càng sai hơn nữa nếu người phụ trách công tác xét chức danh giáo sư, phó giáo sư mà lại đi tự phong một chức danh Nhà nước chưa đặt ra. Muốn chính danh, muốn hợp pháp, xin hãy ghi rõ viện sĩ viện hàn lâm nào. Dù cho là viện hàn lâm thứ thiệt thì vẫn có khoảng cách lớn giữa Viện hàn lâm Khoa học Pháp, hay Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ với viện hàn lâm một nước chậm phát triển. Ở các xứ văn minh người ta đều làm như vậy. Phải chăng vì chỉ số IQ ta quá cao nên mới có bấy nhiêu chuyện rắc rối cần bàn.
Cách đây mấy năm đã từng có chuyện một người trước học ở Liên Xô cũ, chẳng có thành tích gì đặc biệt, nhưng nhờ tiền làm ra được vào thời buổi nhá nhem khi Liên Xô sụp đổ nên kiếm được chân thành viên của một số tổ chức mệnh danh học thuật nào đó, thế là được giới thiệu về nước với chức danh viện sĩ 5 viện hàn lâm ở châu Âu, rồi được đề cử vào Ủy Ban TƯ Mặt trận Tổ Quốc, và giữ những chức vụ quan trọng ở một đại học lớn (về sau cái ông 5 lần viện sĩ ấy được công nhận PGS, thành ra cái chức danh lố bịch PGS viện sĩ !).

Có phải các cơ quan Nhà nước vì thiếu hiểu biết mà để xảy ra những chuyện bi hài như vậy không? Tôi xin được phép nghi ngờ đây không phải chỉ vấn đề năng lực trình độ, mà còn là vấn đề đạo đức.
Vấn đề năng lực, vì những người chưa từng có một công trình khoa học nghiêm túc nào hay chỉ có một vài công trình mà đã lâu xa rời công tác giảng dạy và nghiên cứu lại được giao trách nhiệm chủ trì các hội đồng phong các chức danh khoa học thì làm sao không phạm sai lầm?
Vấn đề đạo đức, vì nếu những người bản thân thiếu trung thực, thiếu công tâm được giao trách nhiệm quản lý một đơn vị hay lãnh đạo một công tác đòi hỏi cao tính trung thực, sáng tạo thì làm sao tránh được đạo đức giả ? Khi mà cấp trên (trong bộ máy công quyền) không đàng hoàng thì làm sao giáo dục được cấp dưới đàng hoàng?
Kinh nghiệm các nước đều cho thấy, khi thiếu trung thực bắt đầu từ những chuyện tưởng là nhỏ trong đời sống xã hội bị bỏ qua thì cuối cùng tất yếu sẽ dung túng tham nhũng, làm ăn dối trá chụp giật, không khuyến khích sáng tạo, chỉ cần bắt chước, ăn cắp, khôn ranh, như vậy sẽ chẳng có hy vọng gì cạnh tranh nổi để tồn tại, chưa nói để phát triển bình thường, càng khó trở thành con rồng, con hổ gì trong thế giới này. Thử nghĩ xem: với kiểu tăng trưởng như ta, dù có tăng trưởng đến 15% năm thì bao nhiêu năm nữa mới đuổi kịp Thái Lan, Malaysia ? Huống chi tăng trưởng 10% thì phải trừ đi ít nhất 5 - 6% do môi trường hủy hoại, do ăn vào tương lai con cháu, do làm kém chất lượng, làm hư hỏng phải làm đi làm lại (nhớ rằng mỗi lần làm lại vẫn được tính vào tăng trưởng !). Cho nên là người Việt xin đừng ai nghĩ gian, dỏm chỉ là chuyện nhỏ, chuyện vặt, không đáng lo.

16 thg 8, 2010

Tự hào Việt Nam có Ngô Bảo Châu

Từ khi được biết http://thichhoctoan.wordpress.com tôi thường xuyên vào đọc, không nghĩ rằng NBC hoàn thiện đến vậy. Mở đầu có ghi:
“Hòa thượng Thích Học Toán đi tu ở trên núi, ít quan tâm đến ái ố hỉ nộ của nhân gian. Gần đây, không may hắn lại bị cuốn vào vòng quay của nhân loại đặc biệt là các nỗi buồn vui liên quan đến khai thác kim loại mầu ở Tây Nguyên. Thay cho kinh kệ, hắn chúi mũi vào đọc đủ thứ chuyện liên quan đến cái mảnh đất chôn chau cắt rốn mà đáng ra với tư cách là một nhà tu hành chuyên nghiệp, hắn đã tưởng cắt được tiền duyên. Đáng buồn hơn nữa, hắn lại còn bị nhiễm thêm căn bệnh thế kỷ là thích đọc blog và viết blog theo gương đồng chí.
Đây là lý do Hòa thượng quyết định khởi động. Nhưng Blog này chỉ nói đến kinh kệ toán học : từ lý thuyết số, đại số, hình học, giải tích đến tổ hợp và có thể lan man sang vật lý nhưng nhất định blog không bàn đến kim loại màu ở Tây nguyên, dành chỗ khác để bàn câu chuyện thú vị này. Xin mời anh em bốn phương đến đây nói chuyện toán học với Hòa thượng Thích Học Toán.
Tên tục của Thích Học Toán là Ngô Bảo Châu. Bạn bè đóng góp vào blog này giữ bản quyền cho bài viết của mình. Thích Học Toán không giữ bản quyền, chỉ đề nghị ai sao chép thì ghi rõ nguồn gốc.”
Huy chương Fields
Tranh cổ động cho Đại hội toán ICM
Gần đây rất nhiều trang web trong và ngoài nước đánh giá cao về Ngô Bảo Châu, người có khả năng nhận Huy chương Fields là giải thưởng toán học được trao cho những nhà toán học không quá 40 tuổi có thành tựu đặc biệt về toán. Giải được trao tại Đại hội Toán học Quốc tế của Hiệp hội Toán học Quốc tế, diễn ra 4 năm một lần, và mỗi lần chỉ tối đa 4 người được giải. Đại hội năm nay khai mạc ngày 19/8 tại Ấn Độ. Giải này có từ năm 1936 từ đó đến nay mới có 46 người được nhận giải, Châu Á có ba người toàn là Nhật Bản. Hôm trước ngồi với mấy thầy dạy toán ở ĐHSP ca ngợi NBC hết lời, nếu được là một niềm vui cho dân tộc Việt Nam.
Trong blog của NBC có commen “Có đây đó thông tin, chắc như đinh đóng cột, là bạn Châu được giải thưởng nọ kia. Bần đạo xin nhắc nhở các bạn nhà báo cần luôn luôn tỉnh táo. Trước buổi khai mạc hội nghị toán học thế giới, mọi tin tức chỉ mang tính chất phỏng đoán. Ngay anh bạch tuộc lần này cũng còn im như thóc. Sự manh động của một số bạn nhà báo có thể làm mất mặt quốc gia, và các bạn đó có thể phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình.” Ta hãy chờ đợi ngày vinh quang sắp đến gần.
Nhớ lại bài toán Fermat (1601-1665) Không tồn tại các số nguyên khác không x, y, và z thoả mãn xn + yn = zn trong đó n là một số nguyên lớn hơn 2. Ông đã ghi thêm một câu bên cạnh: “Tôi đã chứng minh được điều này, hay tuyệt! Nhưng lề cuốn sách này quá nhỏ, nên không thể viết ra ở đây.”
Mặc dù tôi biết để chứng minh bài toán này mấy thế kỉ qua đã làm tốn bao giấy mực, công sức của các nhà toán học thế giới, mãi đến tháng 8 năm 1995 sau 8 năm nghiên cứu Andrew Wiles (1923-2005) mới giải bài toán thành công, nhưng theo như mọi người thường kể cũng chỉ là món quà Wiles mừng ngày sinh nhật của vợ. Bài toán nổi tiếng thế giới là vậy chỉ là món quà cho phụ nữ. Thế mà bao nhiêu người trong đó có cả mình đã tự cho là hạnh phúc khi làm xong bài toán có thể gọi là vớ vẩn.

10 thg 8, 2010

SAO LẠI CỨ ĐỂ XẢY RA MÃI NHƯ VÂY?

Chưa đầy một tháng Cảnh sát giao thông đã gây hai vụ: chết người ở Bắc Giang, và bắn trọng thương một cô sinh viên ở Thái Nguyên do ngưòi dân không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Hiện nay lỗi vi phạm giao thông, không đội mũ bảo hiểm là rất nhiều. Không ai đồng tình ủng hộ những người vi phạm pháp luật, từ những việc vị phạm nhỏ dẫn đến vi phạm lớn. Nhưng thử hỏi những người không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy có phải là những tội nguy hiểm như cướp của, tham ô, chống người thi hành công vụ…vì họ sợ quá nên bỏ chạy, công an đuổi theo đã dẫn tới tai nạn chết người chuyện này không phải là ít. Lúc đó chỉ thương cho người chết mà thôi, nếu không có sự truy đuổi ấy sao có cảnh chết người? Mấy anh lái xe taxi nghèo ở các tỉnh lẻ ra Hà lái thuê, ăn bờ ngủ bụi, tích cóp tiền gửi về cho vợ mua phân bón, thuốc sau, nuôi con ăn học, nay phạt, mai phạt, chỉ lỗi trả khách không đúng qui định phạt họ quá nặng, lại còn chặn trước đầu xe, bị ức chế "con giun xéo lắm cũng quàn" họ không kìm nổi đã cho cảnh sát nằm trên capo chạy hàng cây số. Theo công an Hà Tĩnh, chiều 6/5 trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Kỳ Long (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Nguyễn Văn Toàn 23 tuổi, đi xe máy kẹp 3 không đội mũ bảo hiểm. Bị hai cảnh sát giao thông huyện Kỳ Anh yêu cầu dừng lại, 3 thanh niên không chấp hành hiệu lệnh và bỏ chạy. Trên đường bỏ chạy, 2 thanh niên ngồi sau xe máy đã nhảy xuống. Riêng Nguyễn Văn Toàn khi đến địa phận xã Kỳ Long đã đâm vào một xe tải Bắc - Nam và chết tại chỗ. Tổ công tác của cảnh sát giao thông huyện Kỳ Anh đã cử lực lượng cùng một xe bán tải đến để giải quyết sự việc. Những người chứng kiến cho rằng vì bị đuổi nên Toàn mới gặp nạn, hàng nghìn người dân địa phương đã vây kín hiện trường, một số người bị kích động đã lật nghiêng chiếc xe bán tải ra đường, châm lửa đốt và đập nát một xe máy của cảnh sát. Rõ ràng nếu như cảnh sát hành xử khác đi làm gì có cảnh hỗn loạn đến như vậy. Chuyện ở Bắc Giang mãi hơn tuần sau mới họp báo đưa tin thiếu uý Nguyễn Thế Nghiệp công an Việt Yên bị bắt tạm giam về hành vi gây chết người, (chuyện bắt người rồi chết ở nơi giam giữ trong năm nay đã xảy ra hơn chục vụ). Rõ ràng đây là năng lực yếu kém của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, trước ngày đại Hội đừng để có những cuộc bạo loạn như thế này, hàng ngàn người mang quan tài nạn nhân lên UBND tỉnh đập phá, báo Nông thôn ngày nay đưa tin lại bị bóc xuống. Hôm đó có kết quả của pháp y và bệnh viện Việt Yên hãy trả lời cho dân biết, chắc không bao giờ có cảnh như vậy, công an còn phun vòi rồng vào đám người khênh áo áo quan, một vết nhơ không bao giờ rửa được trong lòng dân.
Hai cảnh sát ở Thái Nguyên mặc thường phục làm nhiệm vụ, cố tình đuổi theo bắn vào cô sinh viên gây trọng thương, rồi mang tiền đến chuộc lỗi hỏi có được hay không? Bảo vệ dân nhưng lại làm điều ngược lại, trả lời trước cong luận lãnh đạo công an tỉnh còn cho rằng có thể súng bị cướp cò, hoặc do va chạm, nếu đúng là như vậy ai tin vào khả năng tài nghệ của công an nữa. Mong những người có trách nhiệm hãy đưa những cảnh sát như vậy ra khỏi ngành đừng làm tổn hại đến danh dự của công an, và các bạn trẻ công an hãy có lương tâm và trách nhiệm trong công việc hơn nữa.
Đây không phải là lần đầu, momg rằng đừng xảy ra những chuyện đău thương như vây.

4 thg 8, 2010

CÂY LÚA CỔ CÓ TIN ĐƯỢC KHÔNG?


    Tôi là người ngoại đạo về Di truyền học nông nghiệp, xin thưa rằng tôi 100% là nông dân nhưng không thể tin hạt thóc 3000 năm nảy mầm, tôi từng được biết cách để lúa giống của nông dân ta là thế nào, chẳng lẽ cách đây 3000 năm các Cụ ta lại giỏi thế ư?. Mặc dù PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung, Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội, người chủ trì đợt khai quật ở Thành Dền, cho hay trong vài ngày tới sẽ lại nhờ TS. Mariko YAMAGATA, Đại học Waseda Nhật Bản (hiện đang có mặt tại Việt Nam) mang thêm một mẫu nữa sang Nhật để xét nghiệm.
  TS Nguyễn Xuân Hội, trưởng bộ môn Bệnh học phân tử, Viện Di truyền Nông nghiệp nói: “Bản thân tôi ngay từ đầu đã cho rằng khả năng đây là cây lúa cổ là rất ít, khả năng này luôn luôn không lớn bằng đây là giống lúa hiện đại. Đến nay thì rất nhiều nhà khoa học khẳng định rằng đây chính là giống lúa Khang dân. Tuy nhiên trong khoa học, tỷ lệ một phần nghìn thôi cũng vẫn phải thử. Vì thế, hy vọng là các nhà khoa học sẽ đưa ra kết luận trong thời gian sớm nhất”.
  Tôi mong PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung hãy suy xét kĩ trước khi gửi mẫu sang Nhật, không họ lại bảo IQ của ta cao!
  

Cây lúa cổ đã trổ đòng
Vì vậy, với phương pháp AMS mà các nhà khoa học Nhật đang xác định niên đại các vỏ trấu (sẽ có kết quả trong vài tuần tới) nếu chứng nhận rằng các cây lúa mọc từ hạt lúa cổ có niên đại 3000 năm này là chân thật, thì một lần nữa, ta có thể vỗ ngực tự hào là từ thời Hùng Vương nhân dân ta đã ở đỉnh cao trí tuệ, vì đã tiến bộ trước thế giới tới 3000 năm thế thì ta còn sợ ai nữa!
TS. Mariko YAMAGATA và  PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung

     

3 thg 8, 2010

BA ĐIỀU ƯỚC...

Bài đăng lại trên Báo điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Ba điều ước đối với giáo dục Việt Nam

PV-Nhân Bộ Giáo dục- Đào tạo có Bộ trưởng mới, trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Tổ Quốc, Giáo sư Hoàng Tuỵ nêu ba điều ước đối với giáo dục Việt Nam.

Gặp ông trong căn nhà riêng tại phố Đội Cấn. Mái tóc bạc, đôi tai không còn được “chuẩn” nhưng đôi mắt vẫn tinh anh, trí tuệ vẫn minh mẫn và vẫn tâm huyết với giáo dục. Có lẽ, chỉ những người thuộc thế hệ như ông mới trăn trở với giáo dục nhiều đến thế, mới lo cho nền giáo dục nước nhà đến thế. Đã có những lúc ông hy vọng rồi lại thất vọng và giờ, lại bắt đầu hy vọng. Bộ GD-ĐT có tân Bộ trưởng, tuy ông biết làm giáo dục bây giờ “khó hơn” ngày xưa rất nhiều nhưng ông cũng vẫn rất hy vọng giáo dục sẽ có nhiều chuyển biến. Ông chính là GS.Hoàng Tụy.
Bộ GD-ĐT có bộ trưởng mới, giáo sư có kỳ vọng giáo dục sẽ thay đổi những gì?
Tôi không dám chắc các báo có thể đăng hết các ý kiến của tôi. Trước hết, có thể thấy, sau khi Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý đã có bài viết nói về những việc mà Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã làm được trong suốt 4 năm gắn bó với ngành. Những thành tựu này, tôi e rằng nó sẽ là một áp lực quá lớn đối với Bộ trưởng mới. Không chắc gì Bộ trưởng mới vượt qua được áp lực này. Nhưng tôi vẫn phải nói. Có thể nói không ngoa, ở Việt Nam hiện nay, không có vấn đề gì quan trọng hơn là vấn đề giáo dục. Trước đây ông Lý Quang Diệu sang Việt Nam đã từng khuyên có thắng trong giáo dục thì mới thắng trong kinh tế. Lời khuyên này không phải ta nghe lần đầu. Tôi không có kỳ vọng gì nhiều, trừ khi có thay đổi từ cấp cao hơn. Nhưng tôi vẫn xin đưa ra 3 kỳ vọng của tôi đối với tân bộ trưởng.

1.Cải cách giáo dục

Muốn chấn hưng giáo dục trong tình hình hiện nay không còn cách nào khác là cải cách giáo dục. Đây không phải là ý kiến của riêng tôi mà điều này đã được ghi trong Nghị quyết của Đại hội lần thứ X của Đảng. Rồi sau đó được ghi trong 3 Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Tôi hy vọng Bộ trưởng mới đủ dũng cảm làm tròn nghĩa vụ của một Đảng viên thực sự, thực hiện Nghị quyết của Đảng đã nêu. Còn cải cách như thế nào thì tất nhiên sẽ phải bàn. Tôi phải khẳng định một điều là làm không dễ.

2. Cương quyết đổi mới tư duy và phong cách lãnh đạo

Tôi biết, việc này sẽ làm cho nhiều người không hài lòng. Nhưng tôi muốn kêu gọi trách nhiệm của Bộ trưởng trước nhân dân, đối với lợi ích tối cao của tổ quốc.

Nói về tư duy giáo dục, mấy năm vừa qua tôi thấy quá sức cũ kỹ. Cũ kỹ đến hàng nửa thế kỷ, dù lúc nào cũng nói đến từ “đổi mới”. Tôi cho rằng đến năm 2020 sẽ “tràn” từ “đổi mới” trong giáo dục mà thực tế chưa có gì đổi mới. Thực ra những cái chúng ta đang làm cho giáo dục là những cái đã làm từ 50 – 70 năm về trước. Ở trên thế giới không còn nước nào làm. Bên cạnh tư duy cực kỳ bảo thủ thì lại có một số quan điểm gọi là mới nhưng thực chất là học “lỏm” của các nước khác. Nhưng học mà không “tiêu hóa”. Cụ thể là quan điểm quản lý giáo dục như quản lý các thị trường khác, không thấy trách nhiệm của nhà nước, của Chính phủ đối với giáo dục. Điều này thể hiện ở việc, vừa qua, vấn đề hàng trăm trường ĐH tư thục không đủ điều kiện tối thiếu đã nở rộ khắp nước và vấn đề này đã làm “nóng nghị trường quốc hội”. Người ta đua nhau kinh doanh giáo dục vì kinh doanh giáo dục là siêu lợi nhuận. Bộ GD-ĐT đề ra quy cách về mặt hình thức rất chặt chẽ về mở trường nhưng thực tế, điều ấy chỉ làm khó dễ để có điều kiện… chứ không theo dõi, kiểm tra.

3. Vấn đề thi

Qua mỗi mùa thi đều có rất nhiều chuyện đau lòng. Trong khi đó, mỗi kỳ thi cực kỳ tốn kém để được cái gì? Kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm nay trên 90% đỗ, thậm chí có nhiều trường đỗ 100% nhưng có những trường tỷ lệ đỗ lại thấp. Nhưng cái thấp hay cái cao đó, người ta ngờ rằng đó không phải là do chất lượng thực sự của từng trường mà do việc kiểm soát thi cử chặt chẽ hay không. Quan niệm về thi cử của chúng ta rất sai. Ví dụ thi tốt nghiệp THPT, có thể tưởng tượng học phổ thông giống như việc sản xuất một cái tivi trong một nhà máy. Nó có nhiều bộ phận. Khi sản xuất từng bộ phận, người ta đã kiểm tra chất lượng ngay. Đến khi lắp ráp người ta chỉ kiểm tra lắp ráp có vấn đề gì trục trặc không và xuất xưởng. Học phổ thông cũng vậy. Quá trình học có nhiều modun học cũng như mỗi bộ phận của ti vi. Học đến đâu kiểm tra đến đấy, đủ điểm cho lên lớp và không để ngồi nhầm lớp. Cứ như thế, đến lớp 12 đủ điểm thì tốt nghiệp. Như vậy, không phải để dồn đến lớp 12, trong mấy tháng học lấy học để, học nhồi học nhét mà chỉ để học thuộc lòng. Hơn nữa, ở ta, học rất lạ. Ở phổ thông, học nhiều công thức, nhiều biến cố lịch sử, thầy kiểm tra đòi hỏi trò phải nhớ nhưng ra đời, không ai đòi hỏi kiến thức đó. Đến kỳ thi THPT lại bắt học sinh thi lại hết kiến thức ở lớp dưới. Đày đọa học sinh, không được lợi ích gì. Và vì vậy nó chiếm rất nhiều thời gian nên không có thời gian để học những cái khác.

Còn thi tuyển vào ĐH, hàng năm cả triệu học sinh thi vào ĐH nhưng chỉ có 20% trúng tuyển. Cách học này là cách học dại dột. Đáng lý ra, tốt nghiệp THCS, coi như văn hóa phổ thông cần thiết là đủ. Còn THPT không phải là dành cho tất cả. Chỉ 1/3 hoặc ¼ số học sinh THCS vào THPT. Còn đại bộ phận phải đi vào trường nghề để học lấy một nghề. Học xong họ có thể gia nhập thị trường lao động hoặc có thể học tiếp. Còn những người đã học THPT là học bước đệm để lên ĐH. Theo tôi, muốn chấn hưng giáo dục, trước hết phải chấn hưng giáo dục phổ thông.

Ngoài ra, theo GS, ngành giáo dục còn vấn đề nào nữa?

Thứ nhất là quản lý tài chính. Hiện nay tham nhũng trong giáo dục rất nghiêm trọng và rất tinh vi. Nhiều khoản chi tiêu trong giáo dục người ta gọi là khoản “trời ơi”. Vì những khoản đó mà quan chức thì được thu nhập khá cao. Còn giáo viên thì phải làm thêm đủ nghề mới đủ sống. Tôi có thể nói, tiền đầu tư vào giáo dục không thiếu nhưng chi tiêu không hiệu quả nên không giải quyết được vấn đề học phí cho thỏa đáng. Không giải quyết được vấn đề lương cho giáo viên. Trong khi đó có rất nhiều dự án và toàn tính bằng tiền triệu đô. Tất nhiên, các khoản tiền này đều vay của nước ngoài. Thứ 2 là quản lý giáo dục phải phân cấp.Thực sự hiện nay, mọi thứ đều tập trung hết vào Bộ GD-ĐT. Rồi vấn đề ĐH đẳng cấp quốc tế. Không ai xây ĐH quốc tế như Việt Nam. Hiện nay mới có ĐH Việt Đức xây dựng theo mô hình này. Nhưng chưa có căn cứ nào để người ta tin rằng trường đó sẽ trở thành đẳng cấp quốc tế.

Có thể nói tóm lại, lãnh đạo ngành giáo dục phải là người có đủ tâm và đủ tầm và phải đặt lợi ích tối cao của nhân dân lên trên lợi ích phe phái của mình.

Vậy theo GS, vấn đề nào quan trọng nhất mà Bộ GD-ĐT cần phải làm ngay?

Thi và chấn chỉnh bộ phận tham mưu. Nếu làm được hai việc này thì sẽ làm được tất cả.

Xin cảm ơn giáo sư

Tuệ Lâm
.
Phát hành tại địa chỉ http://www.toquoc.gov.vn