31 thg 3, 2011

Thương quá nông dân ơi!

    Sau khi bão giá Chính phủ đã hỗ trợ gấp cho một số đối tượng từ 100000-250000 đồng nhằm ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI, chẳng khác nào như muối bỏ bể. Nhiều nhà nông dân đã từ lâu không tivi, không nồi cơm điện, không quạt điện chỉ duy nhất ngọn đèn 60W thắp từ 18 giờ đến 21 giờ, việc bù giá điện cũng chẳng làm thay đổi cuộc sống của họ. Hàng ngày họ phải đối mặt tiền học cho con, tiền thuốc chữa bệnh, tiền phân đạm thuốc trừ sâu, giống cây trồng… chưa nói gì đến thứ khác để tồn tại cuộc sống, họ đã quen với cơm không thịt cá, rău chấm nước muối miễn là tồn tại cho qua ngày. Mong có một ngày đổi đời nhờ con của họ.
Phun thuốc sâu

29 thg 3, 2011

Hịch giáo dục

   Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng gọi bài phát biểu của giáo sư Hoàng Tụy tại lễ trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh 2010 vừa diễn ra tại TP HCM hôm 24-3 là “Hịch giáo dục”:
  "Thật là vinh dự lớn cho một người làm khoa học bình thường như tôi được nhận giải thưởng văn hoá Phan Châu Trinh cao quý. Vinh dự lớn trước hết vì giải thưởng gắn liền với tên tuổi một nhà ái quốc vĩ đại của dân tộc, một sĩ phu thuộc lớp cựu học nhưng đã thoát ra khỏi những quan niệm giáo dục phong kiến cổ hủ đương thời, khởi xướng đường lối canh tân văn hoá, giáo dục để cứu nước: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Vinh dự lớn còn là không phải giải thưởng hay huân chương trong hệ thống hành chính Nhà Nước mà là giải thưởng được trao cho bởi một tổ chức xã hội dân sự, với ý nghĩa cao quý thúc đẩy sự nghiệp văn hoá giáo dục của nước nhà theo tinh thần khai sáng của nhà ái quốc vĩ đại.
Làm khoa học ở một đất nước nghèo khó tôi vốn có duyên nợ nhiều với giáo dục. Xuất thân là một thầy giáo trung học rồi dần dần tự mày mò học tập, nâng cao trình độ mà trưởng thành trong nghề và trở thành một nhà khoa học. Bắt đầu dạy học ở tuôi 20, đến nay đã ngoài 80, suốt hơn 60 năm đó tôi chưa lúc nào xa rời nghề dạy học, tuy học trò của tôi thì tuổi tác, tính chất, trình độ và cả quốc tịch cũng ngày càng đa dạng. Được may mắn (chứ không phải rủi ro) học phổ thông ở nhà trường thời thực dân (nhưng không phải nhà trường thực dân), ra đời cũng được đi đây đi đó học, dạy, làm việc trong những môi trường đại học khoáng đạt hiện đại từ Tây sang Đông trên thế giới nên tôi thường có dịp suy ngẫm về nghề nghiệp của mình. Suy ngẫm từ vị trí công dân một nước nghèo, lạc hậu, khát khao mau chóng đuổi kịp một nhân loại đang rộn rịp chuyển lên nền văn minh trí tuệ đầy thách thức. Điều đó tự nhiên dẫn đến mối quan tâm trăn trở gần như thường trực đối với nền giáo dục của nước nhà. Mà cũng từ đó được mở rộng tầm mắt, có cách nhìn hệ thống đối với nhiều vấn đề giáo dục, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước. Hồi còn anh Tạ Quang Bửu làm Bộ trưởng Đại học tôi đã có nhiều dịp nghiên cứu và trình bày về tư duy hệ thống trong các xêmina giáo dục do anh ấy chủ trì. Những tư tưởng, quan niệm của tôi về giáo dục, văn hoá, kinh tế xã hội ngay từ những ngày ấy phần lớn đều xuất phát từ cách nhìn hệ thống đó cho nên ít nhiều cũng có tính hệ thống nhất quán, nếu có lúc cần thay đổi thì cũng do logic sự vật chứ không tuỳ hứng, tuỳ tiện, tuỳ thời.
Một thế kỷ nay, chưa bao giờ vai trò then chốt của giáo dục trong sự phát triển của dân tộc ta nổi rõ như lúc này. Chỉ trong vòng một thế hệ mà những bước tiến khổng lồ của khoa học và công nghệ đã mang đến cho cuộc sống trên hành tinh những đổi thay sâu sắc hơn cả hàng trăm năm. Trong bối cảnh ấy giáo dục càng quan trọng thiết yếu hơn bao giờ hết cho bất cứ xã hội nào, kể cả những xã hội tân tiến nhất.
Việt Nam không là một ngoại lệ. Nên dù trước mắt kinh tế có khó khăn bức bách bao nhiêu cũng không cho phép chúng ta một phút được lơ là các vấn đề giáo dục. Chừng nào giáo dục còn yếu kém tụt hậu như hiện nay thì dẫu có tăng trưởng kinh tế giữ được tốc độ 7-8%, thậm chí 10% năm chăng nữa đất nước cũng vẫn mãi mãi lẹt đẹt sau thiên hạ. Muốn tăng trưởng kinh tế bền vững, muốn chuyển hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu mà để giáo dục yếu kém thì chỉ là nói suông. Ông Lý Quang Diệu từng khuyên chúng ta: thắng trong giáo dục thì mới thắng trong kinh tế. Gần đây ông đại sứ Hoa Kỳ sau nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam cũng nhận xét thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là giáo dục. Không phải họ hù doạ chúng ta, cũng chẳng phải họ cung cấp cho chúng ta thông tin gì mới mẻ tân kỳ. Họ chỉ nói cho ta biết một điều mà từ nhiều năm rồi ngay chuyên gia trong nước đã có không it lời cảnh báo tương tự. Chẳng qua Bụt nhà không thiêng thì mới cầu tới Bụt ngoại.
Cho nên dù nhiều người đã nói nhiều lần rồi, tôi cũng xin nhắc lại lần nữa: chỗ nghẽn lớn nhất trong phát triển hiện nay của xã hội ta là giáo dục. Giáo dục và giáo dục, không có gì quan trọng hơn. Và vì vậy cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện và triệt để là mệnh lệnh cuộc sống. Càng chần chừ, càng trì hoãn càng trả giá đắt, và không loại trừ đến một lúc nào đó sẽ là quá trễ như đã từng xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới.
Đó là nội dung thiết yếu hai bản kiến nghị mà một nhóm trí thức quan tâm tới vận mệnh đất nước đã gửi Trung ương đảng, Quốc hội và Chính phủ năm 2004 và năm 2009 (bản kiến nghị 2004 đã được phổ biến rộng rãi, còn bản kiến nghị 2009 chưa được nhiều người biết do bị hạn chế phổ biến).
Như chúng ta còn nhớ, cách đây 15 năm từng có nghị quyết lịch sử của Hội nghị TƯ II, khoá 8, xem phát triển giáo dục, khoa học là quốc sách hàng đầu. Nhưng mười năm sau đó, Thủ tướng chính phủ đã phải thẳng thắn thừa nhận chúng ta chưa thành công trong hai lĩnh vực nêu trên. Cho nên các nghị quyết đại hội X và ba hội nghị TƯ sau đó đều nhắc lại nhiệm vụ khẩn thiết cải cách giáo dục để ra khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài mấy thập kỷ. Đặc biệt sau những lời hứa hoa mỹ của ông tân Bộ trưởng GD & ĐT năm 2006, nhiều người trong đó có tôi đã đặt niềm tin ngây thơ vào triển vọng công cuộc chấn hưng giáo dục có thể bắt đầu chuyển động. Tiếc thay, hy vọng chưa kịp nhen nhóm thì thất vọng đã mau chóng đến, lần này lo lắng nhiều hơn vì chưa bao giờ giáo dục chạy theo thành tích dễ dãi được quảng cáo ầm ĩ thiếu trung thực lại ngốn nhiều công sức, tiền của mà hiệu quả thấp như 5 năm qua.
May thay, sự kiện Ngô Bảo Châu đã tạo một cú hích, it nhất về nhận thức. Sau một thời gian ngắn được ngộ nhận là thành tich đặc biệt của giáo dục, sự kiện này cuối cùng đã cho thấy rõ quá nhiều vấn đề cần suy nghĩ lại nghiêm túc và tỉnh táo hơn về nhà trường của chúng ta. Đáng mừng là lần đầu tiên sau nhiều năm chờ đợi, người dân đã được nghe Thủ Tướng long trọng tuyên bố cần một cuộc cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện, triệt để, để chấn hưng đất nước. Với niềm hân hoan như đã lâu chưa hề có, tôi đã lắng nghe bài diễn văn buổi tối đó của Thủ tướng, y như người đang khát giữa trưa hè nóng bức mà được uống bát nước chè tươi.
Sau tuyên bố của Thủ tướng, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng đã lên tiếng đầy sức thuyết phục kêu gọi thực hiện cải cách giáo dục để tiến lên một nền giáo dục trung thực, lành mạnh và hiện đại, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân và yêu cầu cấp thiết chấn hưng đất nước. Nhiều bậc thức giả khác đã hưởng ứng lời kêu gọi đó. Ai nấy đều tin rằng đã đến lúc cần kết thúc giai đoạn đổi mới vụn vặt, chuyển sang cải cách mạnh mẽ thì giáo dục mới có thể ra khỏi bế tắc, trì trệ. Trong một buổi làm việc hơn hai giờ vào khoảng giữa tháng 11, tôi cũng đã cố gắng thuyết phục Bộ trưởng GD & ĐT Phạm Vũ Luận hãy nhân cơ hội này nhận nhiệm vụ lịch sử khởi động công cuộc cải cách giáo dục đã được đề ra trong các nghị quyết lớn của TƯ. Trước hết hãy có một cách tiếp cận mới đối với một số vấn đề nhức nhối nhất hiện nay như thi cử, tổ chức trung học phổ thông và dạy nghề, tuyển chọn GS, PGS, xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế, v.v.
Tuy nhiên cho đến giờ phút này, nghĩa là gần nửa năm trời sau tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng, tình hình vẫn im ắng. Một chủ trương đúng đắn có ý nghĩa then chốt chiến lược đến như vậy, lại đã long trọng hứa hẹn với dân nhiều lần, mà đấu tranh thực hiện cũng gian khổ chẳng khác gì việc đòi giảm sưu cao thuế nặng thời thực dân phong kiến hay sao ? Tôi thật sự lo lắng khi thấy bất chấp mọi lời khuyên, cỗ máy giáo dục già nua cổ lỗ vẫn tiếp tục vận hành ì ạch mà chưa thấy tín hiệu gì sẽ có thay đổi. Đến hẹn lại lên, cả nước lại chuẩn bị lao vào địa ngục thi cử với biết bao tốn kém, lo âu, để rồi như mọi năm hàng chục vạn học sinh sau 12 năm đèn sách bị ném bơ vơ ra đời, không nghề nghiệp mà cũng chẳng có nơi nào học tiếp, cùng với hàng vạn sinh viên sau 3,4 năm đại học vẫn bỡ ngỡ ngay cả với những việc làm rất thông thường mà ở các nước khác chỉ đòi hỏi một học vấn trung cấp.
Tại sao thanh thiếu niên ta phải chịu thiệt thòi lớn như vậy ? Tại sao đã 36 năm ròng rã từ ngày thống nhất đất nước mà giáo dục đến nông nỗi này ?
Hiển nhiên có nhiều nguyên nhân nhưng điều dễ thấy nhất là một đất nước mà người dân tin rằng “cái gì tiền không làm được thì nhiều tiền sẽ làm được” – một đất nước như thế thì giáo dục tụt hậu là tất yếu. Suy cho cùng sự nghiệp chấn hưng giáo dục tuỳ thuộc quyết định vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Chừng nào tham nhũng còn nặng thì dối trá, lừa đảo còn phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm, làm sao giáo dục có thể trung thực, lành mạnh được, nói chi đến hiện đại. Chống tiêu cực trong thi cử, chống bệnh thành tích ư ? Thì đó, năm đầu làm nghiêm thì hàng loạt thí sinh trượt, năm sau bắt đầu dễ dãi thì tỉ lệ thi đỗ tăng, năm sau nới rộng nữa thì đạt tỉ lệ thi đỗ cao ngất ngưởng như ban đầu, thế là chứng minh chất lượng giáo dục đã đựơc nâng cao, giáo dục đã đạt siêu thành tích. Còn mua bằng, bán điểm, chạy trường, chạy dự án, chạy chức, thứ gì cũng chạy được, chạy bằng chân, bằng đầu, bằng vốn tự có, hay gì gì đó thì đố ai biết qui mô đến đâu. Có điều chắc chắn là những chuyện tiêu cực trong giáo dục và kèm theo đó, bạo lực học đường chưa hề giảm mà có phần phát triển bạo liệt tinh vi hơn, có nguy cở trở thành một nét văn hoá tiêu biểu của xã hội ta hiện nay.
Giáo dục là một hệ thống phức tạp, theo nghĩa khoa học của từ này, cần phải được tiếp cận và vận hành như một hệ thống phức tạp mới có hy vọng tránh khỏi sai lầm, thất bại. Lãnh đạo, quản lý giáo dục mà thiếu tư duy hệ thống, thiếu môt tầm nhìn chiến lược bao quát thì chỉ có sa vào sự vụ, nay thế này mai thế khác, “đổi mới” nhưng vụn vặt, chắp vá, không nhất quán, rốt cục tiêu tốn nhiều công sức tiền của mà kết quả chỉ làm rối thêm một hệ thống vốn đã què quặt, thiếu sinh khí, thường xuyên trục trặc. Trong một thế giới biến chuyển cực kỳ mau lẹ, chỉ chậm một vài năm đã có thể gây thiệt hại đáng kể, huống chi mấy thập kỷ liền hầu như giẫm chân tại chỗ và loay hoay với những vấn nạn nhức nhối kéo dài hết năm nầy qua năm khác.
Không đâu cần bốn chữ cần kiệm liêm chính hơn lĩnh vực giáo dục. Cũng không đâu cần tư duy phê phán, cần tự do, sáng tạo hơn ở đây. Một nền học đã thiếu vắng các đạo đức và đức tính cơ bản ấy tất nhiên sớm muộn cũng biến chất và lâm vào bế tắc. Khi ấy những điều chỉnh cục bộ theo kiểu đổi mới từng việc vụn vặt như vừa qua không những không có tác dụng mà còn làm kéo dài thêm tình trạng trì trệ. Lúc này, lối ra duy nhất cho giáo dục là cải tạo cấu trúc, xây dựng lại từ gốc, thay đổi cả thiết kế hệ thống. Chỉ có như thế mới mong cứu giáo dục thoát ra khỏi khủng hoảng triền miên.
Không đi sâu vào những việc quản lý cụ thể, tôi chỉ xin nêu một số vấn đề ở tầm chiến lược về chất lượng giáo dục. Dù bảo thủ đến đâu, dù thoát ly thực tế cuộc sống đến đâu, ai cũng phải công nhận chất lượng giáo dục của ta quá thấp. Thấp như thế nào và làm gì để nâng cao chất lượng thì lại có nhiều cách nhìn thiển cận, phiến diện, sa vào chi tiết vụn vặt không thực chất.
Thứ nhất là chuyện học và thi. Năm nào bàn chuyện này cũng có nhiều đề xuất cải tiến nhưng càng bàn càng rối mà chưa thấy hướng ra đúng đắn. Học thì cứ miêt mài nhồi nhét nhiều thứ vô bổ, nhưng lại bỏ qua nhiều điều cần thiết trong đời sống hiện đại. Thi thì mãi vẫn một kiểu thi cổ lỗ, biến thành khổ dịch cho học sinh nhưng là cơ hội kinh doanh, làm tiền cho một số người. Không phải học mà thi mới là chính, học chỉ để đi thi, để có bằng, thậm chí không học mà có bằng thì càng tốt. Đặc biệt thi tốt nghiệp nặng nề như chưa hề thấy đâu trên thế giới văn minh. Tuy đã có không ít hội nghị bàn thảo về cải tiến phương pháp giảng dạy, cho đến nay chủ yếu vẫn chỉ là dạy trên lớp, thầy đọc, trò ghi và bám sát sách giáo khoa. Trong khi đó, với cách nhìn toàn cục có thể thấy rõ cốt lõi của chuyện học và thi ở chỗ khác. Đã sang thế kỷ 21 nhưng giáo dục của ta vẫn giữ nhiều quan niệm cổ hủ như thời phong kiến nho giáo hay thời trung cổ ở châu Âu, nặng tính giáo điều kinh kệ, vì nhằm mục tiêu thiển cận biến con người thành một phương tiện sử dụng vào các mục đích tôn giáo hay chính trị, hơn là hoàn thiện con người như một chủ thể tự do. Phương Tây đã có thể nhanh chóng bước lên giai đoạn phát triển văn minh công nghiệp hiện đại trong khi phương Đông còn ngủ dài trong văn minh nông nghiệp chính là nhờ họ đã sớm thế tục hoá giáo dục. Thiết nghĩ một giải pháp tương tự cũng cần nghiên cứu cho nhà trường Việt Nam để bước vào kinh tế tri thức thời nay.
Thứ hai là chuyện đào tạo theo nhu cầu xã hội. Các doanh nghiệp thường phàn nàn gặp nhiều khó khăn khi tuyển nhân lực cần thiết vì trình độ, năng lực thực tế của sinh viên do các trường đào tạo ra quá thấp so với yêu cầu của họ. Trong khi đó, hàng năm có hàng chục vạn học sinh, sinh viên ra trường không tìm được việc làm thích hợp. Mặc cho khẩu hiệu “nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”, và một số biện pháp đổi mới quản lý giáo dục, chất lượng đào tạo vẫn giẫm chân tại chỗ từ hàng chục năm nay. Quá nhiều trường đào tạo về kinh tế, tài chính, kế toán, ngân hàng, v.v. nhưng rất ít trường về công nghệ, kỹ thuật, khoa học. Quá nhiều đại học, cao đẳng kém chất lượng, nhưng rất it trung cấp kỹ thuật. Cơ cấu đào tạo khiến trong nước rất thiếu công nhân lành nghề, rất thiếu cán bộ kỹ thuật trung cấp giỏi, nhưng thừa kỹ sư, cán bộ quản lý tồi. Không lạ gì có nhà đầu tư nước ngoài từng nhận xét: chúng ta nói nhiều về công nghiệp hoá nhưng ngay một chiếc đinh vít cũng chưa có nơi nào trong cả nước làm được đúng chuẩn quốc tế. Công nghiệp phụ trợ không phát triển nổi, muốn làm ra sản phẩm công nghệ gì tinh vi đôi chút cũng phải nhập phần lớn linh kiện, bộ phận và các sản phẩm trung gian. Rốt cuộc chỉ lắp ráp là chính thì bao giờ mới xây dựng được công nghiệp hiện đại. Sự thể nghiêm trọng đến mức chuyên gia Nhật đã khuyến cáo: vận mệnh ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam không chỉ ảnh hưởng đến tương lai phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến địa vị chính trị của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Mà với cơ cấu đào tạo nhân lực như hệ thống giáo dục hiện nay thì không cách nào phát triển công nghiệp phụ trợ. Cho nên có nhìn rộng ra cả nền kinh tế mới thấy vấn đề đào tạo theo nhu cầu xã hội không chỉ là cải tiến khâu đào tạo ở cấp đại học hay cao đẳng mà phải cải tổ cơ cấu hệ thống giáo dục, theo hướng như đã trình bày trong bản kiến nghị 2009: sau trung học cơ sở phần lớn học sinh sẽ vào trung học nghề, trung học kỹ thuật, chỉ một tỉ lệ nhỏ vào trung học phổ thông. Bản thân trung học phổ thông cũng cần được cải tổ theo hướng không phân ban cứng nhắc mà có nhiều lựa chọn cho học sinh phát triển năng khiếu sở thích, nhờ đó nâng cao chất lượng đầu vào đại học, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đại học . Như vậy sau 12 năm học, học sinh nếu ra đời thì đã có nghề, còn số có thể tiếp tục học sẽ không bị nhiều rào cản do cánh cửa chật hẹp của đại học hiện nay.
Thứ ba là xây dựng đại học. Vị trí và tính chất của giáo dục đại học trong sự phát triển của các quốc gia ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với chỉ cách đây vài thập kỷ. Nói giáo dục là thách thức lớn nhất cho đất nước hiện nay thì trước hết đó là giáo dục đại học. Trong một thế giới toàn cầu hóa, xây dựng đại học tất nhiên phải hướng tới và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế trong mọi lĩnh vực. Trong khi đó, từ việc đào tạo tiến sĩ, việc tuyển chọn giáo sư, đánh giá các công trình khoa học, các nhà khoa học, các trường đại học, đến nay chúng ta vẫn giữ nhiều tiêu chuẩn riêng chẳng giống ai. Mặc dù đã trải qua mấy chục năm trời xây dựng, đại học của ta vẫn còn ngổn ngang rất nhiều vấn đề đòi hỏi không chỉ phải đổi mới mà phải thay đổi tận gốc, từ chiến lược phát triển cho đến cách thực hiện chiến lược. Trong đó việc xây dựng các đại học tiến lên đẳng cấp quốc tế đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng, trước hết là về quan niệm. Nếu không kịp thời khắc phục thì căn bệnh thành tích phô trương cộng với tính vô trách nhiệm ở đây sẽ gây lãng phí lớn, làm chậm lại thay vì thúc đẩy quá trình tiến lên hiện đại theo tinh thần khai sáng.
Thứ tư và cuối cùng nhưng then chốt nhất là chính sách đối với đội ngũ giáo chức. Không có khâu quản lý nào thể hiện rõ hơn quyết tâm chấn hưng giáo dục bằng chính sách đối với thầy giáo. Thế nhưng hiếm có nơi nào trên thế giới và cũng hiếm có thời nào trên đất nước ta người thầy mặc dù bị đối xử bất công vẫn tận tuỵ gắn bó với nghề như trong mấy chục năm nay. Khi nói điều này không phải tôi không biết những gương xấu trong ngành, những con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng tôi nghĩ số đó vẫn là số ít, số ít đáng ngạc nhiên nếu đặt trong hoàn cảnh xã hội và điều kiện làm việc cực kỳ khó khăn của tất cả thầy giáo của ta. Tôi tin rằng với những hoàn cảnh như thế ở các nước khác tình hình giáo dục phải bi đát hơn nhiều. Với chính sách đối với thầy giáo như của hiện nay, giáo dục còn được như thế này đó thật sự là kỳ công.
Song cái gì cũng có giới hạn, kể cả lòng tự trọng, thiện chí và … lương tâm. Cứ thế này e sẽ đến lúc lương tâm cũng chai lì, chẳng còn ai biết xấu hổ, để cho cái lá nho cuối cùng cũng không giữ nổi thì sẽ mất hết, chẳng còn gì để bàn về giáo dục, văn hoá, khoa học nữa. Tôi cũng hiểu và thông cảm với những khó khăn thực tế liên quan đến tham nhũng. Song có thể nói không quá đáng, kinh nghiệm hơn ba mươi năm qua đã cho thấy hầu hết mọi căn bệnh tàn phá giáo dục đều có nguồn gốc ít nhiều ở cái chính sách bỏ mặc rồi khuyến khich thầy giáo tự bươn chải để kiếm sống mà làm nghề, trong một môi trường đòi hỏi họ phải toàn tâm toàn ý mới làm tốt được nhiệm vụ. Vậy nên giải quyết cái u này là điều kiện tiên quyết mở đường cho giáo dục (và khoa học) thật sự trở thành quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên cũng phải cắt u một cách an toàn vì nếu làm không minh bạch đường hoàng như hiện nay thì chỉ gây thêm hỗn loạn, cũng rất nguy hiểm.
Để kết thúc, xin bày tỏ niềm tin cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện, triệt để là giải pháp cứu nguy cho giáo dục, cũng là cứu nguy cho phẩm chất Việt Nam khi còn chưa quá trễ.
Và một lần nữa xin trân trọng cám ơn Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh"

Gặp Bác năm 1964

Hôm qua có người gửi cho tôi một đoạn phim tư liệu mang tên Phỏng vấn chủ tịch Hồ Chí Minh - Tháng 6/1964, lần đầu tiên thấy Bác rõ như vậy.
Đoạn đầu là quang cảnh Hà Nội những năm đầu của thập kỷ 60.

28 thg 3, 2011

Nền Giáo dục Mỹ (Phần 5)


     Tôi có một số người quen cho con sang Mỹ học, phần lớn đang học đại học ở Việt Nam qua Mỹ học đại học ở những trường danh tiếng. Phải khẳng định rằng Mỹ có hệ thống trường đại học tốt nhất trên thế giới, với các chương trình đào tạo xuất sắc hầu như trong mọi lĩnh vực, các môn học truyền thống cũng như các lĩnh vực chuyên ngành đều có các chương trình đào tạo tốt nhất. Ở bậc sau đại học, sinh viên thường có cơ hội làm việc trực tiếp với một số học giả nổi tiếng nhất trên thế giới. Bằng cấp của Mỹ được công nhận trên toàn thế giới vì chất lượng đào tạo tuyệt vời. Cũng có một số đại gia cho con sang học ở bậc phổ thông. Tôi có người cháu trước đây tôi đã từng dạy đến nói với tôi:
- Năm tới vợ chồng cháu cho con sang Mỹ học phổ thông ông thấy thế nào? Tôi cười bảo:
- Sang Mỹ học không sợ hỏng con à?
- Trước khi quyết định cháu sang Mỹ ba tuần đến một vài trường và truy cập trên  internet  tìm hiểu nền giáo dục của Mỹ, vợ chồng cháu thấy đưa con sang đấy học mới yên tâm.
- Vợ chồng anh học ở Việt Nam thành đạt như thế, mọi người học ở Việt nam hỏng hết à? Còn anh chị có nhiều tiền thì cứ cho đi.
Tôi tưởng anh ta phải suy nghĩ câu của tôi nào ngờ anh ta nói:
- Ông đúng là người bảo thủ, suy nghĩ của ông đất nước này mãi mãi là vậy.
  Nói vậy thôi chứ hệ thống giáo dục của Mỹ phù hợp với tất cả mọi người.
   Các trường học ở Mỹ phần lớn nằm ở ngoại ô, diện tích rộng khoảng từ 5 ha trở lên, được bao bọc bởi tường kín đi lại thuận tiện, tôi đến một ngôi trường phổ thông ở California ra đời cách đây hơn 70 năm nhưng cứ như là mới xây dựng, đủ các loại cây như  ở trong rừng, phòng học hiện đại, đường đi trong trường rộng rãi và sạch sẽ, chỉ phân biệt được là các cây cổ thụ mà thôi. Ở Mỹ để có thể bước vào đại học, người học sẽ phải trải qua 12 năm giáo dục bậc tiểu học và trung học. Giáo dục tiểu học và trung học có thể thực hiện ở các trường công (trường do chính phủ tổ chức) hoặc ở các trường tư. 12 năm giáo dục này cũng có thể được hoàn thành ở nước ngoài.
   Trẻ em ở Mỹ bắt đầu đến trường vào lúc 5 tuổi. Năm đầu tiên gọi là lớp mẫu giáo, đây là điều bắt buộc với các trẻ em. Năm thứ hai ở trường được xem như là năm đầu tiên ở bậc tiểu học (primary school) và là lớp 1 (first grade). "Grade" ở đây bao hàm 2 nghĩa:  Một chỉ thứ hạng điểm đạt được trong một kỳ thi hay một khoá học, hai chỉ năm học giáo dục ở trường tiểu học hoặc trung học. Giáo dục tiểu học hệ thống 5 năm. Hoàn thành lớp 5 trẻ em sẽ bước vào trung học. Trường trung học bao gồm tất cả  7 năm, tương đương 6 lớp trong hệ 12 năm. Lớp 9 đến lớp 12 thường được gọi là phổ thông trung học (high school). Hoàn thành lớp 12, học sinh sẽ được cấp bằng tốt nghiệp phổ thông trung học (high school diploma). Ở Mỹ học sinh phải có bằng này mới được nhập học một trường cao đẳng hay đại học. Những học sinh đã tốt nghiệp phổ thông trung học và muốn học lên cao đẳng hoặc đại học phải tham dự các trường được gọi là “Undergraduate school”. Có những trường hoặc cấp bằng 2 năm (gọi là: associate degree) hoặc bằng 4 năm (gọi là: bachelor’s degree) sau một khoá học đặc trưng. Một người Mỹ kể với tôi ở bên này họ quan tâm đến việc học không phải đóng học phí trong suốt thời gian học phổ thông, theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ hàng năm có từ 63%- 70% học sinh ra tốt nghiệp trung học vào học tại các trường đại học, học đại học nhà nước cho vay tiền sau khi tốt nghiệp đại học đi làm trả dần có khi vài chục năm mới trả xong
 Tôi không biết chương trình họ dạy những gì, nhưng trong trường có nhiều sân chơi bãi tập bể bơi,  vườn hoa cây cảnh, vườn thực nghiệm... Tôi được biết cháu T học lớp 10 ở trường KL, mẹ cháu bảo học suốt cả tuần thứ bẩy, chủ nhật vẫn phải đi học thêm thế mà môn toán không bao giờ đứng trong tốp 20 của lớp, sang đây sau hai tháng cháu đứng thứ hai của lớp về môn toán hơn cả học sinh Mỹ, cháu bảo “học không khó như ở Việt Nam”. Tôi được biết ở Mỹ quản lý trẻ em rất nghiêm, học sinh ra đường một mình sẽ bị cảnh sát bắt giữ, đưa về nhà.
   Mấy năm gần đây nhiều gia đình ở Việt nam cho con sang học Tiếng Anh ở Mỹ trong mấy tháng hè, mỗi một lớp học như vây khoảng hơn một tháng học phí 3000 USD, tiền  phòng ở 300 USD + điện nước rác 50 USD + tiền ăn 150 USD + các khoản khác 40 USD = 540 USD. Việt Nam là một trong 5 nước có số học sinh đông nhất. Người Mỹ cũng như người Việt nam họ rất sợ học với người Mễ (Mexico) họ cho rằng bọn này đầu đất.
 Tôi đã gặp nhiều cháu sang đây du học, các cháu làm thêm nhiều nghề như hầu bàn, rửa bát, lễ tân, gia sư thu nhập 1000USD đến 2000USD một tháng nhưng học vẫn tốt.
 Không biết khi nào giáo dục Việt Nam bắt kịp nền giáo dục của Mỹ?

27 thg 3, 2011

Đức biểu tình chống điện hạt nhân

Biểu tình chống điện hạt nhân tại Đức
   (Theo Voanews) Hàng vạn người Đức đã xuống đường hôm thứ Bảy đòi chấm dứt hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân trong nước.
Người biểu tình nhắc đến cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật, xem đó là một lời cảnh báo.
Cảnh sát nói rằng riêng tại thành phố Berlin, người biểu tình lên đến 100.000. Các nơi khác gồm có Hamburg, Cologne và Munich. Tổng cộng có đến trên 200.000 người. Thủ tướng Angela Merkel trước đây trong tháng có nói nước Đức đang nhanh chóng tiến sang các loại năng lượng tái tạo, trong lúc đánh giá độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân.
Bà cũng nói sau sự kiện tại Nhật Bản, Đức tạm đóng cửa 7 nhà máy điện hạt nhân cũ kỹ để kiểm tra mức an toàn.

26 thg 3, 2011

Một báo cáo chưa vừa lòng cử tri


    Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đọc thông báo của Bộ chính trị đánh giá về vụ Vinasin hôm khai mạc Quốc hội, một nghị quyết không được đồng thuận của cử tri tri cả nước. Thông báo nêu rõ “Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ đã kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận và kiến nghị với Bộ Chính trị: các đồng chí nêu trên có thiếu sót, khuyết điểm nhưng đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xét thấy chưa đến mức phải thi hành kỷ luật”

“…Với chức năng là chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước đối với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số thành viên Chính phủ đã có những thiếu sót khuyết điểm Bộ Chính trị đã thảo luận, cân nhắc kỹ trên nhiều mặt và bỏ phiếu việc thi hành kỷ luật đối với tập thể và cá nhân các đồng chí có liên quan. Căn cứ kết quả kiểm phiếu và theo quy định của Điều lệ Đảng, Bộ Chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân. Đồng thời yêu cầu các tập thể và cá nhân liên quan phải nghiêm túc tự phê bình, rút kinh nghiệm, tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị và không để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác xảy ra sai phạm tương tự”.
   Có phải đây là thông báo đầu tiên của Bộ chính trị sau Đại hội? Vừa mới đưa ra đã có bao nhiêu ý kiến trái chiều. Tôi có trao đổi với ông Nguyễn Minh Thuyết đại biểu tỉnh Lạng Sơn, ông nói sáng nay phải dự hội thảo không có mặt ở hội trường và có gửi thư cho tôi Mình đang học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ. Tôi chắc là  lời dặn của Bác  sẽ được thực hiện đầy đủ thôi”.  
    Chiều nay ông Đặng Như Lợi đại biểu tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Minh Thuyết đều không đồng tình với báo cáo và có chung một kiến nghị  “Quốc hội cần hoàn thành nốt món nợ với cử tri, từ nay đến tháng 7 cũng cần phải lập Ủy ban lâm thời để điều tra về trách nhiệm của các đồng chí trong Chính phủ và có một kết luận để cho nhân dân tán thành, người ta được yên tâm.”

Nhập cảnh vào Mỹ (phần 4)

        Trước khi sang Mỹ anh bạn tôi nhắc không được đem thực phẩm vào nước Mỹ, vợ tôi chuẩn bị ruốc, kẹo bánh, thuốc … đều bỏ lại. Không biết có phải từ sau 11/9 Mỹ thiết chặt an ninh hay không nhưng khi đến Tokyo họ đã bắt tôi cởi giày và sờ nắn khắp người cứ như tôi là dân khủng bố trước khi lên máy bay. Sang Mỹ thì lại nghiêm ngặt hơn, hàng ngày không biết có bao nhiêu ngàn người vào nước Mỹ ở nhiều nước khác nhau, các cửa hải quan cấp giấy vào Mỹ rất đông cảnh sát họ dắt theo chó đi đến từng người nếu nghi vấn nó dừng lại và chắc chắn người và hàng xách tay sẽ được ra ngoài mở kiểm tra, trong đoàn có người giữ lại họ không cần biết tiếp theo phải chuyển sang máy bay nội địa cứ lần lượt kiểm tra cho đến xong, còn lại mọi người đi qua máy kiểm tra yêu cầu cởi quần áo ngoài, tháo giày tất, dây lưng bỏ vào thùng để qua máy. Một cô trong đoàn có phải vì mặc váy dài họ bắt đứng ở trong phòng kín sau đó một nữ cảnh sát đến kiểm tra rất kỹ cả đầu tóc. Qua cửa hải quan tôi chụp ảnh mấy người cùng đi cảnh kéo valy họ yêu cầu phải xoá và trực tiếp kiểm tra trên máy ảnh. Gặp cảnh sát Mỹ ở hải quan mặc dù tôi chẳng có gì vi phạm nhưng thấy tướng mạo và cách làm việc của họ tôi rất sợ, cả nam và nữ đều cao to “mặt sắt đen sì”, nhìn chừng chừng vào hành khách.
    Những ngày ở đây tôi được tiếp xúc với các giáo sư nghe họ giảng bài phải nói rằng phương pháp sư phạm của họ tốt thật, họ truyền đạt rất tự tin, nhân viên PR nhiệt tình, người giúp việc rất thân thiện với chúng tôi, họ tạo ra không khí để gần gũi mọi người, tôi nhớ hôm mới sang, vừa ngủ dậy người giúp việc bắt được con bò cạp bỏ bào hộp kính đưa cho mọi người xem, cười đùa doạ tôi. Nghỉ giải lao một nhân viên PR mang đến một hộp sọ người bằng thạch cao bắt ôm hôn và chụp ảnh cho tôi. Họ tạo mọi điều kiện cho chúng tôi tiếp xúc với người Việt ở bên này, một buổi tối gia đình người Mỹ đưa tôi đến nhà hàng có chương trình biểu diễn ca nhạc do ca sĩ Việt nam biểu diễn, tôi cám ơn xin phép đi nơi khác do ồn quá không nói chuyện được (thực tình không khí và bài hát không hợp) họ vui vẻ tìm nơi yên tĩnh.
Troy một nhân viên của Nu skin dẫn đi Outlets (chợ trời)

Cùng vui với người giúp việc

Nhạc sỹ biểu diễn tại sòng bạc

Đóng giả người Mỹ

Họ đưa kiếm để đâm nhau 

Tắm trong bể nước nóng

Nhân viên PR

25 thg 3, 2011

Người Mỹ là vậy (Phần 3)


     Đến Quận Cam (Orange County) bắt gặp quán Phở Hà Nội, chợ Đồng Xuân, chợ Bến Thành, cafe Việt…gía rất cao nếu quy ra tiền Việt Nam ăn không nổi từ 5 - 9 USD một tô phở. Người dân ở đây phần lớn sang Mỹ theo diện HO, một số người sang đây theo dạng vượt biên vẫn chưa nhập được quốc tịch Mỹ có người muốn trở về nước song họ "sợ", họ được hưởng trợ cấp thất nghiệp người cao nhất 1500 USD thấp nhất 900USD. Một bài học đến với tôi khi chuyển đồ, phụ xe người Việt và cô người Mỹ đi trong đoàn bốc hết túi lên xe, khi lên xe anh ta nổi nóng và bảo:
- Vừa rồi tôi thấy nhục quá chừng, các anh để phụ nữ bốc hàng các anh đứng nhìn hút thuốc, ở Mỹ không bao giờ là vậy, những công việc này toàn đàn ông làm. Tôi im lặng nhận lỗi.
 Một lần Helen lái xe đưa chúng tôi dẫn đi mua hàng, tôi không biết mua gì vì hàng xịn, quá đắt mua về gia đình lại chê tôi đành đi theo xách hàng giúp. Helen rất hiểu khu vực Đông Nam Á, có thời kỳ theo chồng sang Việt Nam, Singapo làm trong đại sứ, cô sang Pháp du học trước năm 1975,  30 tháng 4 năm 1975 gia đình di tản sang Mỹ và đón cô sang ở lấy chồng Mỹ nay đã có 4 con tốt nghiệp đại học đi làm, chưa cháu nào lấy vợ lấy chồng nhưng đều thuê nhà ra ở riêng, cô kể cho tôi nhiều chuyện sinh hoạt của người Việt Nam tại Mỹ, phần lớn con cái đều trưởng thành, kiếm tiền rất giỏi. Tôi thấy mọi người ở đây rất ít tiêu tiền mặt, mua hàng toàn bằng thẻ, cô đến ngân hàng rút tiền đề phòng cửa hàng tư nhân không có máy đọc thẻ, gặp một người Việt đi xe lăn ra xin tiền cô nhẹ nhàng bảo:
- Nhà bác ở đâu, tôi đưa bác lên xe đến chỗ bảo trợ họ sẽ cho bác chứ thế này tội quá. Người đàn ông này hiểu ý bỏ đi.
    Người Việt Nam sinh hoạt theo phong tục giống như ở trong nước, họ tổ chức lễ Tết, ăn uống ở quán, đi Chùa rất vui. 11 giờ đêm tôi đi bộ tìm đến một quán phở đóng cửa, họ chỉ sang quán cách đó chừng trăm mét, tôi thấy 5, 6 nhóm toàn người Việt có cả nữ đang tổ chức uống bia rượu theo kiểu Việt Nam, tôi cảm giác sợ vội bước ra ngoài. Đi ăn ở Mỹ không thấy họ uống rượu bia, anh bạn người Mỹ nói với tôi:
-         Anh uống gì cứ tự nhiên? Còn tôi đang trong dịp lễ Thánh không được phép uống bia rượu.
   Tôi thầm mong ở Việt Nam một ngày nào đó học cách sinh hoạt ăn uống như thế này, nhưng chắc quá khó, vì “lỗi cả hệ thống” sao mà sửa được.
    Chính người Việt Nam đã tự làm xấu mình và làm mất đi vẻ đẹp sinh hoạt ở Mỹ. Trên đường ra sân bay, người lái xe đã hướng dẫn phải mất 4 USD mới lấy được xe đẩy hàng, một cô trong nhóm thể hiện đi sang Mỹ nhiêu lần đã không theo luật ra ngoài khoảng 10 phút dắt một chiếc xe về có vẻ mãn nguyện tự hào khi không bị mất tiền, cũng chính người này hướng dẫn chúng tôi vào “check ticketed”, sau khi xem cốt vé điện tử họ làm cho chúng tôi ngay, cô nói với mọi người trong nhóm bỏ ra 10USD để đưa cho người Mỹ họ lắc đầu:
- No no. Người Mỹ là vậy.
Cô giáo và học sinh

Vào siêu thị mua hàng

Đỗ xe để mọi người xem tuyết

Khách sạn của một triệu phú Mỹ họ thiết kế theo "Cướp biển Ca ri bê"

Người Mỹ đạo diễn cảnh này thật ngộ ngĩnh.
Thêm chú thích
 

24 thg 3, 2011

Những ngày trên đất Mỹ (Phần 2)

   Sang Mỹ người đón tôi tại sân bay là người Việt Nam, hiện nay là giảng viên của trường Đại học có tên tuổi ở Mỹ đưa tôi nghỉ khách sạn vùng ngoại ô, bên này việc đi lại khó khăn hơn ở Việt Nam, nhà nào cũng có từ 2-3 chiếc xe riêng, nên ít thấy taxi, ra đường gặp toàn xe ô tô thuộc loại tốt , luật đi đường rất nghiêm, một tuần ở Mỹ không thấy tiếng còi xe ô tô, thỉnh thoảng bắt gặp xe cảnh sát họ chỉ hú còi khi có người phạm luật. Cảnh sát không thấy đứng đường nhưng họ xuất hiện rất nhanh khi có sự cố xảy ra. Hai giờ sáng tôi cùng mọi người đi trên xe của một người Việt tên Phương sang du học đã được 8 năm từ sòng bạc Las Vegas về mải nói chuyện Phương đi quá một đoạn quay lại đi ngược đường, vừa nháy đèn đi được vài mét đã có tín hiệu của xe cảnh sát, Phương áp xe vào lề đường nói với chúng tôi cháu gặp hạn rồi và nhắc mọi người hãy ngồi im trên xe. Xe cảnh sát đỗ một cảnh sát Mỹ to lớn bấm đèn pin qua cửa kính yêu cầu lái xe cho xem giấy tờ và nhắc lỗi vi phạm, tôi nghĩ sẽ là chuyện gì xảy ra, bọn tôi bảo nhau cho tiền Phương bị phạt lỗi là do mình vui chuyện, nhưng cảnh sát không phạt, lại cùng đi theo và hướng dẫn cho lái xe đi một đoạn sợ không biết đường. Luật Mỹ là vậy!
   Tôi đến quận Cam (Orange County) người Việt Nam rất nhiều, một người Mỹ nói với tôi “người Việt Nam có hỏi cứ bảo từ Pháp hay Ý sang” chứ người Việt ở đây họ không ưa gì người Việt từ Hà Nội hay Sài Gòn qua. Tôi không hiểu vì sao? Mua hàng hãy mua của người Mỹ đừng mua hàng của Việt Nam, Trung Quốc không tin tưởng nhiều hàng giả lắm.
   Một Giáo sư Mỹ đã từng làm việc ở Việt Nam 5 năm, họ hỏi tôi về ông Lê Quả, ông ta khóc.
- Tao nghe tin ông Lê Quả bị tù tao thương quá, ông ấy làm rất nhiều việc cho Việt Nam. Tôi định kể vụ này cho ông nghe thấy ông chảy nước mắt mọi người khuyên chuyển chuyện khác.
Biết là vậy tôi nói làm sao. Chỉ biết ông này có tâm hồn Mỹ .


Vợ chồng GS người Mỹ

19 thg 3, 2011

Một chuyến đi Mỹ (Phần 1)

     Đầu năm 1966 Chính quyền xã nơi tôi sinh ra và tuổi thơ ở đó không cho tôi đi học lớp “Toán đặc biệt” (nay là lớp chuyên toán), họ ghi vào hồ sơ của tôi ” Cậu ruột NNL đi lính cho Pháp nợ máu với dân, chú ruột NBT là đảng viên thoái thác nhiệm vụ, bố đi hương dũng 3 tháng”, sau này tôi mới biết cậu tôi đi lính dù ở Hải Phòng có bắn giết gì đâu, chú ruột tôi bỏ sinh hoạt đảng để đi làm văn nghệ, bố tôi chỉ là anh "dân quân" tối bắt ra ngủ ở đầu làng để canh gác. Chính vì lý do đó tôi buồn, nghĩ rằng có học xong cũng không đi được đâu, cuối năm tôi xung phong đi bộ đội chưa đầy 17 tuổi, cho đến hôm nay tôi không hề oán trách bất cứ ai, bởi vì xã hội lúc bây giờ là vậy. Tôi được các thầy cô rất quý mến bởi tính thực thà, nhanh nhẹn học giỏi học bạ cấp II điểm tổng kết các môn lớp lớp 7 của tôi toàn 5, chỉ có môn văn 4+(tổng kết theo kiểu của Nga), bạn bè đều kính phục. Sau lời kêu gọi tháng 7-1966 “Không có gì quý hơn độc lập tự do” tôi cùng bạn bè lớp 9, trường cấp III Thanh Hà “gác bút nghiên” lên đường nhập ngũ.
  Lớp chúng tôi thuộc thế hệ Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ, bây giờ nghĩ lại thấy thương cho chính mình, 17 tuổi còn là tuổi ăn tuổi ngủ chơi bời, bố mẹ chiều chuộng lo ăn học, thế mà đã mặc áo lính, nhất nhất một lệnh, gian khổ ác liệt sống chết không biết lúc nào chỉ biết sau mỗi trận đánh nhìn nhau biết mình còn sống, số thanh niên cùng làng đi bội đội thời ấy với tôi bây giờ chỉ còn không đến một nửa, cũng may tôi bị thương trở về học đại học.
  Cả Miền Bắc lúc đó căm thù đế quốc Mỹ, hàng ngày chứng kiến cảnh máy bay Mỹ đem bom giết hại biết bao nhiêu người dân vô tội, coi Mỹ là kẻ thù không đội trời chung. Sau này thống nhất đất nước quan điểm của Đảng mong muốn không đối đầu, Việt Nam và Mỹ bắt tay nhau, khép lại quá khứ, dần dần xoá nhoà mối hận thù dân tộc.
 Tôi thầm mong được đến nước Mỹ để tận mắt thấy đất nước và con người Mỹ. Hai vợ chồng anh bạn tôi sang Mỹ dự lễ tốt nghiệp thạc sĩ của con gái nói với tôi rằng “ông sang ấy mới thấy hết’. Cũng nhờ học sinh cũ giới thiệu tôi với một công ty Nu Skin/Pharmanex, họ cho giấy mời sang hội thảo, công ty lo cho ăn uống và chỗ ở, mọi người trong gia đình ủng hộ tôi đi. Tôi làm việc với Vietravel thủ tục vào Đại sứ Mỹ, họ hướng dẫn cách trả lời và các hồ sơ kèm theo rất nhiều người bị "out", đoàn tôi hai người loại. Khi đến Đại sứ quán làm thủ tục cẩn thận đúng kiểu Mỹ, từng người một vào phỏng vấn họ bắt lăn hai tay, chụp ảnh khác thường 5x5, chụp đồng tử. Sau hai vòng hồ sơ một người Mỹ hỏi tôi:
“ - Mày làm nghề gì?
    -Dạy học.
    -Mày có quen ai ở Mỹ không? Tất nhiên tôi trả là không rồi.
    - Mày sang đấy làm gì?
-         Đi du lịch và xem nền giáo dục tiên tiến của Mỹ;
-         Mày lấy tiền ở đâu để đi?
-         Con cho.
-         Nó làm gì ?
-         Công ty HP;
-         Nó có nhiều tiền không?
-         Không biết.
-         Mày thật hạnh phúc, chúc mày đi một chuyến đi vui vẻ”
Chỉ sau khoảng 5 phút tôi phỏng vấn, ba ngày sau Đại sứ gửi Visa về tận nhà. Tôi đợi ngày đi.
(kỳ sau những ngày trên đất Mỹ)

Đoàn Hà Nội sang Mỹ

Một nhà dân gần nơi tôi ở

Tuyết phủ trên núi
Phổ cổ của Mỹ  

Cảm ơn Bạn bè xa gần đã ghé thăm blog chủ nhân dangnba;
dangnba viết chỉ là xả stress mà thôi, chẳng Chính chị chính em gì cả, cũng qua đây để trải lòng mình với mọi người.
  Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể nhận xét, bằng cách Chọn hồ sơ là Tên/URL: Gõ tên Bạn, bỏ qua URL.

13 thg 3, 2011

Cơ chế thị trường ở đâu?

   Mấy ngày nay tôi đi lại nhiều nơi để mua USD, mặc dù có đầy đủ giấy tờ hộ chiếu, visa, vé máy bay nhưng đến các ngân hàng thương mại đều thông báo “không có để bán”. Trên tivi đưa tin bắt được vụ mua bán 390500USD, phố Hà Trung, Trần Nhân Tông ngừng giao dịch USD... tôi thực sự lo lắng.
    Trong thời kỳ nhạy cảm hiện nay giữa mua và bán USD tôi được biết đi vào bí mật, tôi không biết tìm đâu, ngần ngại lắm đành đặt vấn đề với người thân trong ngân hàng họ giải quyết theo đúng yêu cầu, tôi đều hỏi lại có phiền không? nhưng có chung một một câu trả lời đúng luật.
    Không hiểu vì sao “Cơ chế thị trường định hướng XHCN” không được áp dụng vào việc mua bán USD, mỗi năm có hàng chục tỷ USD từ nước ngoài gửi về cho gia đình ở VN, họ chẳng dại gì mà bán cho Nhà nước vì sự chênh lệch trong ngoài quá lớn, không những thế đồng tiền VN liên tục bị mất giá nên nhiều người mua USD để gửi ngân hàng vừa có lãi lại không sợ mất giá. Tại sao hàng trăm ngân hàng VN hiện nay, hãy cho phép một vài ngân hàng mua và bán USD theo giá thoả thuận có sự giám sát của Chính phủ, làm như vậy không còn “chợ đen” như ta vẫn thường dẹp, người bán và mua đều dễ dàng ,Nhà nước lại tăng dự trữ bắt buộc.

12 thg 3, 2011

Có sợ chảy máu vàng không?


     Ngày 9-3 trên trang vnexpress.net có đăng bài “Những quốc gia có khả năng vỡ nợ cao nhất thế giới” chỉ vài giờ sau bài này không còn nữa. Có người điện tôi nói “đọc rồi chẳng có vấn đề gì”,  Mời mọi người hãy tìm đọc để hiểu rõ nguyên nhân: The 18 Countries Most Likely To Default ..

  Các quốc gia trong danh sách này được sắp xếp theo phí đảm bảo cho các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (Credit Default Swap – CDS). CDS là một dạng chứng khoán phái sinh, tương tự với một hợp đồng bảo hiểm. Khi tham gia vào CDS, người mua CDS trả cho người bán một khoản phí để được bảo hiểm cho rủi ro vỡ nợ tín dụng xảy ra khi một bên thứ ba rơi vào trường hợp vỡ nợ. Các nước có trong danh sách:
    Tây Ban Nha. Bungary . Iceland. Lithuania. Rumani . Croatia . Hungary . Bahrain .  Li-băng . Ai Cập . Dubai . Ukraine . Bồ Đào Nha . Ireland . Argentina . Hy Lạp . Venezuela.
 Mấy hôm nay trên trang này luôn đưa tin “vàng tiếp tục lao dốc”, trong khi vàng thế giới vẫn tăng cao ngày 11-3 có lúc lên đến 1425 USD/ou, có phải do Nghị quyết 11 của CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội ? Như vậy giá cả của ta đi ngược lại với thế giới, những người buôn lại tuồn vàng ra nước ngoài một nguy cơ nữa lại đến với chúng ta.

8 thg 3, 2011

Vây bắt "Cụ" Rùa vào "Viện" bất thành

    Sáng nay tôi cũng là một trong hàng ngàn người hiếu kỳ ra Hồ Hoàn Kiếm chứng kiến vây bắt cụ rùa,  nhìn xuống hồ không khỏi chạnh lòng, xót thương cho cụ khi sống ở môi trường ô nhiễm nặng. Việc nhỏ như thế này mà bao năm nay Thành phố không để ý tới thật đáng trách, sao các lãnh đạo lại vô cảm đến thế. Ở nước ngoài cũng có nhiều hồ trong thành phố đâu có như vậy!
  Hôm 24-2 tôi có đến Trung tâm văn hoá Pháp nghe giới thiệu "Lên đồng", đúng như bài báo của anh Họ Trương đã động đến bao nhiêu người. Cụ Rùa hôm nay đâu có phải là Rùa mà truyền thuyết gọi là Thần Kim Quy dâng kiếm cho Lê Lợi ngày xưa đâu? Liên tưởng tới xã hội ngày nay có rất nhiều người con khi bố mẹ còn sống chăm sóc "như người ở", đến khi bố mẹ chết mới tỏ ra thương nhớ làm ma quá nhớn để thu lợi cho mình. He he..

7 thg 3, 2011

Ngày Phụ nữ 8-3 thời bà Đệ nhất phu nhân.


      Bà Trần Lệ Xuân phu nhân của Ngô Đình Nhu là dân biểu, Chủ tịch Hội Phụ nữ Liên đới, thường được gọi là "Bà Cố vấn". Tổng thống Ngô Đình Diệm không có vợ nên bà được coi là Đệ nhất Phu nhân của Việt Nam Cộng hòa từ năm 1955 đến năm 1963. Bà sinh tại Hà Nội, lấy chồng bà theo Đạo Thiên Chúa, sau khi gia đình hộ Ngô thất thủ bà và các con sang La Mã cùng với anh trai cha Ngô Đình Thục, hiện nay bà sống một mình ở Pháp chưa hề trở lại Việt Nam. Bà Trần Lệ Xuân đã cho xây tượng Hai Bà Trưng tại Sài Gòn. Bà khởi xướng cách tân kiểu áo dài cổ thuyền (cổ khoét sâu), mà dân chúng một thời vẫn gọi là "áo dài Trần Lệ Xuân".
   Xem bức ảnh sau thấy tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc của người Việt Nam trên dải đất hình chữ S dù ở chế nào cũng vậy.
  
Khẩu hiệu còn ghi rõ Kỷ niệm Hai Bà Trưng (SGòn 7-3-1957)
Bà Xuân xuất hiện mọi nơi
 

3 thg 3, 2011

Lạm phát sẽ dừng ở đâu?

    Mặc dù còn nhiều việc phải làm, có việc thu ngay “tiền tươi thóc thật”, hay bài viết cho cuộc hội thảo tháng tới nhưng cũng bỏ qua, để viết vài dòng trải lòng mình với mọi người trước sự "quyết liệt chống lạm phát".
   Mấy tuần nay đài và báo chí đưa tin quá nhiều về giá cả mà đau cả đầu, ngồi đâu cũng thấy nói điện, sắt thép, xi măng tăng giá. Mấy bà bán rau ngoài chợ cũng hùa theo còn bảo “giá đô giá vàng tăng nên chúng tôi cũng phải tăng theo”, chẳng biết nước mình đô la hoá từ thuở nào? Mấy năm nay Nhà nước lúc nào cũng hô chống lạm phát nhưng vẫn bùng lên, chỉ tiêu đề ra đều phá sản. Bà Phạm Chi Lan chuyên gia kinh tế nhận xét các nước xung quanh họ tăng trưởng tốt hơn, lạm phát thấp hơn. Ngay cả hiện nay lạm phát toàn cầu thì họ chỉ có 3-4% chứ không hai con số như nước mình. Rõ ràng đây là năng lực điều hành của Chính phủ.
   CPI tên viết tắt tiếng Anh (Consumer Price Index) của chỉ số giá tiêu dùng nó phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá cả của một số mặt hàng hoá dịch vụ đã được chọn đại diện cho tiêu dùng, phục vụ cho đời sống của người dân. CPI thể hiện chỉ số lạm phát ở nhiều quốc gia. Lạm phát cao kinh tế có phát triển đến mấy cũng không còn ý nghĩa gì. Hệ lụy gây thiệt hại nhất cho những người làm công ăn lương, đè nặng lên vai người nghèo.
   Sự thật của tăng trưởng của ta phần lớn do tăng giá. Nhìn vào con số tăng trưởng, thu chi, mới chỉ thấy về lượng. Xét về chất, về sự thật của mức tăng trưởng, ngoài yếu tố sản xuất kinh doanh tạo ra thì phần lớn lại nằm ở tăng giá, đồng tiền mất giá. Nếu chỉ nhìn vào con số thì rất dễ thỏa mãn. Năm nào tăng trưởng cũng cao, con số đẹp nhưng đời sống không tăng kịp so với con số đó. Ông Nguyễn Đức Kiên PCT QH đã phải nói ra: “Mức tăng giá cao gần gấp đôi mức tăng trưởng kinh tế đây là vấn đề rất đáng phê bình”. Ông cho rằng: Để việc tăng giá mất kiểm soát là do lỗi điều hành. Theo thống kê mới nhất, đầu năm 2011 chỉ só giá tiêu dùng CPI đã tăng vượt xa mọi dự đoán. Một số chuyên gia kinh tế nhận định, việc điều chỉnh giá xăng dầu, điện có thể làm CPI cả năm tăng thêm 2%. Như vậy, tính đến thời điểm này lạm phát đã xấp xỉ tăng khoảng 6%. Nếu tính với mục tiêu khống chế CPI là dưới 7% thì 10 tháng còn lại chỉ được phép tăng dưới 1%. Phép tính giản đơn là vậy thế mà ông Nguyễn Xuân Phúc Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng CP khẳng định: Chính phủ chưa có kế hoạch điều chỉnh mục tiêu lạm phát cả năm vẫn giữ nguyên mức 7% đã đặt ra. Điều này càng thể hiện sự duy ý chí, không dám nhận ra sự thật! Đáng đáng lo ngại hơn từ 1 tháng 5 Nhà nước trích 27.000 tỷ đồng để thực hiện việc tăng lương tối thiểu từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng/tháng. Mức chi này chiếm khoảng 3,7% tổng chi Ngân sách Nhà nước trong cả năm 2011. Lúc đó lạm phát thế nào mọi người hãy tự hiểu.
   Những ông cố vấn Chính phủ quay lưng lại với nhau. Ông Lê Đức Thúy Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cứ khơi khơi nói rằng nhất thiết phải nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên. Ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phản bác, phùng má trợn mắt nói: Bây giờ mà tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên là điều không tưởng. Nói như vậy mọi người hiểu sự điều hành của CP là như thế nào?
Đăng Nhận xét

   Cảm ơn Bạn bè xa gần đã ghé thăm blog chủ nhân dangnba;
dangnba viết chỉ là xả stress mà thôi, chẳng Chính chị chính em gì cả, cũng qua đây để trải lòng mình với mọi người.
  Chủ blog rất hân hạnh được khách ghé thăm nếu bạn có lời tâm sự hãy làm theo các bước sau:.
Nếu không có tài khoản, Bạn vẫn có thể nhận xét, bằng cách Chọn hồ sơ là Tên/URL: Gõ tên Bạn, bỏ qua URL.

Một bài thơ hay


Bài thơ Tôi yêu em của Pushkin nhiều người Việt Nam biết, với tôi đây là một bài thơ hay.
Я вас любил
Александр Сергеевич Пушкин
Я вас любил: любовь еще, быть может,
В душе моей угасла не совсем;
Но пусть она вас больше не тревожит;
Я не хочу печалить вас ничем.
Я вас любил безмолвно, безнадежно,
То робостью, то ревностью томим;
Я вас любил так искренно, так нежно,
Как дай вам Бог любимой быть другим.
TÔI YÊU EM
Alexander Sergeyevich Pushkin
Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài

Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em

Bản dịch Thuý Toàn