23 thg 4, 2011

Hẹn gặp lại nước Mỹ


    Từ những năm 1987 - 1988, Nhà văn Lê Lựu là người Việt Nam đầu tiên được Trung tâm William Joiner (WJC - Đại học Massachussetts) mời sang Mỹ giao lưu, nói chuyện, nhằm bước đầu hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước sau chiến tranh. Năm 1989 ông về Hải Hưng quê ông kể lại chuyến đi này, ông bùi ngùi trước tấm lòng của những cựu binh nhà văn như Kevin Bowen, Bruce Weigl, Nguyễn Bá Chung; vừa áy náy trước những chuyện cười ra nước mắt ông gây ra trên đất Mỹ. "Hồi đó, chân đất mắt toét, lơ ngơ đến một nước phát triển, tôi đã mấy lần cãi nhau với cái toilet hay cái điện thoại nhà Kevin và Bá Chung",  “Tôi không dự định gì cả mà cứ liều mà đi. Tiếng Anh tôi không biết, lên máy bay nó bay đi đâu, hạ sân bay nào mình cũng chả biết luôn. Anh Lê Mai mách nước cho tôi: “Bí quá thì ông cứ nói “help me!” (giúp tôi) thể nào cũng có người giúp!”. Tôi nghe lời anh Lê Mai cứ cầm vé nói “help me! help me!”... Khi máy bay hạ cánh, gặp một nhân viên của hãng hàng không Boeing tôi lại “help me!”. Người nhân viên này giúp tôi gọi điện cho anh Kevin sau đó anh ta bảo tôi cứ ngồi chờ rồi có người đến đón.
Lê Lựu và những người bạn Mỹ
  
   Ông Nguyễn Bá Chung, Kevin Bowen đã giúp ông một tháng tá túc ở WJC, không biết bao nhiêu tiền của. Bên cạnh kỷ niệm vui ông còn nhiều kỷ niệm không thể nào quên mà mỗi khi nhắc lại ông không cầm nổi nước mắt. Đó là trong cuộc hội thảo về văn học do WJC tổ chức có khoảng 50 người và ông nhận ra trong số họ có “nhiều người là kẻ thù”. Suốt buổi diễn ra Hội thảo, ông bị “vây hãm” bằng những câu hỏi hằn học, giễu cợt rất khó chịu. Có những câu hỏi rất châm chọc như: “Có muốn quan hệ với Mỹ không? Nếu muốn thì ông sang Mỹ để xin cái gì? Chúng tôi còn 41 xác người Mỹ nữa các anh để ở đâu? Nếu trả hết số xác lính Mỹ ấy thì đổi lại chúng tôi sẽ cho ông thóc”?!... Thuật lại những câu giễu cợt này, nhà văn Lê Lựu lại úp tay lên mặt khóc. Nhà văn Bruce Weigl ngồi kế bên ôm ông an ủi với một thái độ như là sự hối lỗi thay cho những người đã “xúc phạm ông” cách đây hơn 20 năm. Dừng hồi lâu, ông lại kể: “Tôi đã trả lời rằng: Sao các anh nỡ xem thường người dân Việt Nam thế? Sao các anh ác thế? Sao lại đổi gạo để lấy xác đồng đội thế...?”. Từ sau lần ấy thái độ của một số người đã dần thay đổi, các trường học thay nhau mời ông đến nói chuyện về văn học chiến tranh ở Việt Nam, mỗi ngày phải đi nói chuyện 3 ca, mỗi ca khoảng 2-3 giờ. Ông bảo rất mệt nhưng vẫn vui và nhiệt tình để họ hiểu rõ con người Việt nam.  Lúc đó người Mỹ muốn thăm dò khai thác tâm hồn con người Việt Nam sau chiến tranh như thế nào, Mỹ có phải là kẻ thù không?..
   Ông kể văn minh của Mỹ mà ông "bị lừa" mọi người cười ồ lên, có lần muốn buôn chuyện với nhà văn Nguyễn Bá Chung. Lão nông này vừa "alo" thì điện thoại nhà ông bạn nhảy ra một tràng: "Tôi là Nguyễn Bá Chung, hiện tôi đang đi vắng, xin hãy để lại lời nhắn". Nghe đi nghe lại chừng ấy chữ, ông nổi đóa, vùng vằng đáp trả vào ống nói: "Rõ ràng là ông đang nói với tôi, thế mà ông lại bảo là đi vắng. Không muốn nói chuyện với tôi thì ông cứ nói thẳng". Hôm sau gặp lại, Nguyễn Bá Chung mới cười mà rằng: "Ông đi cãi nhau với cái điện thoại làm gì”. Ông kể rồi cười giòn, vừa hồn nhiên, vừa ngượng nghịu.
   Mấy năm gần đây việc sang Mỹ là quá bình thường chỉ cần 4000 đôla đi cả Đông và Tây nước Mỹ. Các phái đoàn của Đảng, Nhà nước sang làm việc có lúc thông cáo có lúc không. Trung ương cũng bật đèn xanh để Bí thư, chủ tịch các tỉnh sang đó đó “thăm quan học tập” cùng các doanh nghiệp.  Những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ “các hạt giống đỏ”mang tên thiếu sinh quân được cử sang Liên Xô ăn học và rèn luyện, đồng thời bảo đảm an toàn sau này về nước làm lãnh đạo. Nhưng từ năm 1991 sụp đổ của các nước Châu Âu, cán bộ cao cấp của ta không dại gì mà cho con sang đó, đua nhau cho con sang Mỹ, có cháu học từ trung học, theo tiếp lấy bằng tiến sỹ. Nghĩ cũng nực cười mới hôm nào không ngớt lời chửi rủa, bây giờ thay đổi tư duy thế nào mà các ông các bà không sợ mất con lại đưa con sang nước đế quốc nó đang giẫy chết, không sợ rơi xuống vực à? Có ông "khoẻ" hơn dắt díu tất cả con cháu họ hàng sang rồi mua nhà bên Mỹ tính kế lâu dài. Sau mấy năm có bằng cấp, có đôla trở Việt Nam tỏ ra tự hào với mọi người được sang Mỹ du học "thành tài" nay về kiến thiết xây dựng đất nước, trong số này có người nếu thi đại học ở Việt Nam chắc chắn không vượt qua điểm sàn của Bộ GD-ĐT, tìm hiểu mới biết những gia đình có nhiều tiền của và thế lực mới đủ sức sang đó học, tất nhiên loại trừ các cháu học giỏi có học bổng.
   Tôi sang bên đó trở về đến nay vừa tròn một tháng cũng không ít kỷ niệm. Hiện nay trên người tôi vẫn còn mang thương tật của chiến tranh do Mỹ gây ra, hàng tháng vẫn lĩnh tiền thương tật, không phải vì thế mà mang tính hận thù, trước hôm đi có người khuyên tôi hãy cảnh giác. Song mọi điều suy nghĩ  xấu về Mỹ đều tan biến. Nhiều người sang đây đều nhận xét chung người Mỹ nhân hậu hơn ta tưởng, thực sự “hiền khô” sống chân thực không dối trá, nhiều đức tính mà người Việt Nam phải học.  Họ không giáo điều, lãng phí thời gian, những hành vi cử chỉ đẹp được hình thành phát triển qua công việc hàng ngày. Họ có tính tự lập, tự giác rất cao dù có sự giám sát hay không nhưng họ vẫn thực hiện chấp hành rất nghiêm. 
   Trong bữa ăn họ rất ít uống bia rượu toàn nước khoáng có hôm vui họ mời mọi người uống nước hoa quả lên men tương tự như bia, họ bảo sợ mấy người Việt ở bên này trong các bữa tiệc, mỗi khi “một hai ba zô” sau cuộc nhậu ấy trên bàn không biết bao nhiêu vỏ chai và cốc, có người không về nổi nhà. Ở khách sạn cũng như nhà riêng mở máy tính không thấy có biểu tượng "Y! Messenger", tôi thấy hơi lạ văn minh như thế mà lại bỏ qua, sau này mới biết họ không có thời gian "chát" và buôn chuyện như ở Việt Nam mọi công việc đều gửi "mail" hoặc alô cho nhanh.
   Dân Mỹ rất tôn trọng luật pháp, cảnh sát tôn trọng con người, giải quyết sai phạm mang tính giáo dục và ngăn ngừa, chứ không hách dịch như ở Việt Nam, nói ra là mang tính đe dọa, đưa luật pháp ra nghe cũng đủ sợ.
   Cán bộ của ta sang đây rất đông, họ đều hợp thức hoá bằng cách dự hội thảo, trao đổi kinh nghiệm học tập nhưng thực ra là đi du lịch, kinh phí lấy từ ngân sách hoặc doanh nghiệp địa phương tài trợ, người Việt có quốc tịch Mỹ họ không muốn gặp cán bộ của ta từ Việt Nam sang, thậm chí họ còn ghét bỏ, tôi biết có lần đoàn cán bộ cao cấp của ta muốn tổ chức gặp gỡ Việt Kiều ở Quận Cam phải thay đổi giờ, và đi cửa sau sợ họ đến phá phách lăng mạ, có lần họ đem biểu ngữ, ảnh biểu tình ngoài phòng họp Hiến pháp của Mỹ cho phép như vậy.  Nhưng ngược lại có ông cũng muốn làm quen với những phần tử “bất hảo” ở Việt Nam nay sống trên đất Mỹ. Tôi gặp một người người Việt nổi tiếng là dân đao kiếm làm ăn ở bang California anh ta khoe “Em có danh thiếp của nhiều ổng to bự bên nhà, (tôi nhìn thấy danh thiếp của  tướng H) còn dặn khi về Việt Nam nhớ gọi ổng không sợ gì”. 
 Tôi đã đọc thông tin về Tổng thống Enxin đến NY, đứng trước tượng Thần tự do ông nhắc một câu trong kinh thánh “Còn phải tìm Thiên đường ở đâu, Thiên đường là đây”, rồi ông đi một vòng quanh Tượng thần Tự do và nói đại ý “Đi một vòng quanh Tượng thần mà thấy tự do lên gấp trăm lần”. 
  Còn ông Chủ tịch đảng Đặng Tiểu Bình, có lần báo chí của ta lên tiếng bảo là hợm hĩnh, ngu dốt, nịnh bợ sang bên đó đi mặc quần bò Levis của Mỹ, cưỡi ngựa đội mũ ca bồi, tôi nghĩ ông ta khôn hơn ta nhiều chẳng dại thế đâu.
  Họ giáo dục cho dân Mỹ rất giản đơn, không đao to búa lớn, thậm chí không tốn kém còn sinh lời, tôi đã đến quảng trường thiết kế ngôi nhà đổ, đến đây không chỉ là nơi tham quan du lịch mà còn nhắc nhở mọi người cảnh giác thảm hoạ đó là động đất và sóng thần, mà chính con người thiếu ý thức gây ra do phá hoại thiên nhiên.

Ngôi nhà đổ biểu tượng của động đất sóng thần


3 nhận xét:

  1. Đi Mĩ về có khác. Chuyện bác Lựu xen chuyện ông Đang. Đọc cũng thú. Có chuyện gì lạ nữa ông Đang kể cho bà con nghe. Không phải ai cũng đến được Mĩ, mặc dù bây giờ đi Mĩ chỉ mới là chuyện ngày thường ở Tỉnh!

    Trả lờiXóa
  2. Ông Đang sửa lại cái tít bài: "Hẹn gặp" chứ không phải "Hẹ gặp!"!
    Cám ơn!

    Trả lờiXóa
  3. Viết xong đi có việc ngay thứ 2 mới về sẽ sửa. Cám ơn

    Trả lờiXóa