12 thg 12, 2011

Chuyện xưa nhớ lại (P2)



     
Bà nội đã đi xa vừa đúng 20 năm, bố luôn tự hào về bà ngày xưa bố vẫn gọi là u. Bà lấy ông lúc đó nhà cụ nội nghèo lắm, là dâu trưởng bà biết phải làm gì, bà gánh vác bao công việc nặng nề trong gia đình nên họ tộc nhà mình rất kính trọng bà. Đời bà gặp nhiều bất hạnh, những lần bà tâm sự với bố bà đều khóc, khi lấy ông bà đã một đời chồng (ông chồng của bà mắc bệnh thương hàn rồi chết), về nhan sắc ông hơn bà nhưng ông rất yêu bà, bố biết cả đời ông chẳng phải lo nghĩ gì mọi thứ đã có bà. Con biết hôm bà mất, bố mẹ chỉ là giáo viên nhưng họ hàng, bạn bè tiễn đưa dài hàng vài trăm mét như thế con đủ hiểu bà sống như thế nào.
Họ hàng và người thân tiễn đưa bà
    Bố nhớ lúc ấy bố 6 tuổi, cán bộ cải cách ruộng đất đi xuống các thôn, thực hiện chính sách “Ba cùng” (cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm), mấy ông đến nhà mình để xếp loại thành phần ông nào cũng thấp, gầy, đen trông dữ tướng. Mấy hôm sau thông báo nhà mình xếp trung nông vừa (trung nông vừa nhà sở hữu một con lợn và đàn gà), nhưng trong lý lịch của bố đều ghi thành phần gia đình trung nông. Sau này bố mới biết họ xếp theo cảm tính, xếp loại địa chủ, phú nông, trung nông, bần nông, cố nông theo tỷ lệ sẵn, càng nhiều địa chủ càng có thành tích cao. Các bần cố nông được học lớp tố khổ do các ông đội tổ chức, theo chỉ đạo của nhóm chuyên gia Trung Quốc, lúc ấy bố còn nhớ được xem bộ phim Bạch mao nữ sau này mới thấy sao giống ta đến thế, cán bộ cải cách phát động quần chúng khuyến khích nhớ ra các tội ác địa chủ bóc lột, cưỡng hiếp, kể cả vu khống, miễn là ly gián mọi người trong làng, chính vì thế có cảnh vợ tố chồng, con tố cha, nhiều địa chủ cưu mang người nghèo trong làng nay trở thành oán, ông bác rể nhà mình chỉ là phú nông ở làng khác mà mấy năm họ hàng không dám gặp nhau kể cả giỗ tết.
    Các buổi đấu tố thường vào ban đêm họ đốt đuốc để sinh hoạt, những gia đình có người bị đấu tố ra đường không dám ngẩng mặt, gặp các ông bà bần cố nông cúi chào xưng con, dù trong họ hàng chỉ là con cháu. Sau khi đấu tố địa chủ bị tam giam chờ tòa nhân dân xét xử. Bao nhiêu địa chủ kháng chiến, đảng viên bị kết án tù và tử hình oan sai, mà chẳng phải kẻ thù nào chính chúng ta tự hại nhau, do tính ghen gét, hẹp hòi, ích kỉ.  Có nhiều người không chịu nổi để minh chứng cho sự trong sạch của mình phải tìm đến cái chết, có người kêu oan đến trung ương nhưng vẫn quyết, chẳng hạn do yêu cầu làm “điển hình”  bà Nguyễn Thị Năm điền chủ ở Đại từ Thái nguyên kiêm chủ hiệu Cát Thanh Long ở Hà Nội, trong tuần lễ vàng bà hiến 100 lượng vàng cho Chính phủ lâm thời. Tham khảo ý kiến chỉ đạo cố vấn Trung Quốc được trả lời: ‘Hổ đực hay hổ cái, đều ăn thịt người cả!’ Cuối cùng quy bà là địa chủ kết án tử hình. Thật đau sót không bao giờ rửa được!
 Sau sửa sai cải cách ruộng đất từ Trung ương tới địa phương nhất là sau Hội nghị “cần bảo vệ lãnh đạo, bảo vệ chế độ” phần nào cũng nhận thấy sai lầm, không khí trong làng không còn nặng nề, u ám, tiếng chó sủa lại thấy vào buổi tối vì có người đi lại thăm hỏi nhau, bố được ra sân miếu xem các anh chị thanh niên múa hát .
Gia đình nhà mình cũng vui hơn, mấy tháng trời bà nội cắp nón đi bộ quanh huyện tìm mua được gian nhà gỗ lim của một người được chia nay đem bán. Ngôi nhà rất đẹp nếu ở thời trước chắc chắn nhà mình là địa chủ.
Hay nhất mà bố chưa kể cho con, ngày còn bé bà đi chợ, phải thuê người trông bố, bà nội kể “hay cô làm bà hai nhà tôi nhé”, bà ấy chỉ cười, sau này bố có gặp bà vẫn nghèo, đông con bố có gửi tiền và quà cho bà.

Tôi viết blog chỉ là ngẫu hứng, trải lòng mình cùng mọi người. Không chính trị chính em gì cả. dangnba.

1 nhận xét:

  1. Thành phần nhà ông theo tôi hiểu là "trung nông lớp dưới".

    Các cụ bà ngày xưa hay thật, khi già đội lễ đi tìm lẽ cho chồng. Các bà nội bây giờ, khi nghe kể về chuyện xưa ấy, lảng chuyện, ngồi ti tỉ hát ru:

    Con cò mà mổ cái chai
    Bà xem, dám lấy vợ hai không cò?

    Trả lờiXóa