26 thg 1, 2012

Kể chuyện dạy và học toán

     Hà Huy Khoái (Nhân năm Nhâm Thìn xin góp vài lời)
  1. Bác Tôm nói chuyện săn rồng.
    Nhiều người hỏi bác Tôm (René Thom, nhà toán học Pháp, giải thưởng Fields) về nghề làm Toán. Thấy khó nói quá, bác bèn kể chuyện săn rồng. Chuyện rằng, xưa bên Trung Quốc, có anh chàng học nghề đi săn. Anh chẳng chịu học săn hổ, săn lợn, mà lại học nghề săn Rồng! Nghề này khó lắm, phải thực tập nhiều. Bởi thế nên khi anh ta thạo nghề thì trên thế gian chẳng còn lấy một con Rồng nào! Có người hỏi: Bây giờ sống bằng nghề gì? 
    Đáp: Đi dạy nghề săn Rồng! Bác Tom nói: làm Toán tức là đi dạy nghề săn Rồng vậy! (thảo nào chẳng có chú Rồng nào dám bén mảng đến nhà bác Tom!). Thế thì, làng nước đâu có còn cái anh săn Rồng ấy. Có còn Rồng nữa đâu mà học nghề săn? Ấy chết, đừng vội nói thế. Rồng thì chẳng còn, nhưng có khi vẫn phải học nghề săn Rồng đấy. Nếu anh đi học nghề săn lợn thì chắc gì đã bắn được hổ? Mà học nghề săn hổ thì chắc gì bắn được voi? Nhưng nếu đã thạo nghề săn Rồng thì hổ, báo, sư tử, voi,…chắc chắn đều săn được tuốt! Này nhé, Rồng có thân như cá sấu, móng vuốt như hổ, đầu sư tử, ẩn hiện như trăn, vậy mà còn không thoát được tay anh săn Rồng, thì chẳng nói gì đến hổ, báo, voi, trăn, mà sau này có "nhân bản” ra con nào nữa, anh ta cũng chẳng sợ! Thành ra, đã định học nghề đi săn thì hãy cứ học nghề săn Rồng! Từ cá sấu, hổ, sư tử, trăn,…người xưa trừu tượng hóa” thành con Rồng. Cũng như thế, từ thực tiễn, người ta trừu tượng hóa thành Toán học. Câu chuyện của bác Tôm mà thâu tóm được cả cái mạnh, cái yếu của Toán học là vậy.
  2.  Bác Tôm tìm nhẫn.
    Lại có người hỏi khích bác Tôm: Mấy cái anh làm Toán gàn dở bịa ra những phương trình, vi phân, tích phân,…gì gì nữa nhỉ, thực tế làm gì có? Bọn họ chỉ ngồi chơi cái trò chơi trí tuệ đấy thôi! Bác Tom hỏi lại: Này nhé, nếu anh đánh rơi cái nhẫn trong góc nhà kho bừa bộn, tối om, mà lại không có đèn, thì anh tìm nó ở đâu? Anh chàng nọ ngạc nhiên: Hỏi lạ nhỉ, thì chui vào đó mà tìm chứ ở đâu nữa! Bác Tom cười: Thế thì có khi mấy tháng trời vẫn chưa tìm ra. Cứ như tôi thì tôi sẽ chạy ra dưới ngọn đèn sáng mà tìm vậy! Anh chàng được mẻ cười vỡ bụng: Mấy anh làm Toán gàn quá đi mất, biết tỏng tòng tong là nhẫn rơi trong góc nhà kho, mà lại ra dưới đèn tìm thì có mà suốt đời tìm cũng không thấy. Ấy vậy mà cái anh đồ (Toán) gàn dở chẳng dại lắm đâu. Này nhé, anh ta cầm lấy chiếc nhẫn, đứng dưới ngọn đèn mà thả cho nó rơi. Tất nhiên là tìm lại được ngay (ở đó sáng lắm mà). Cứ như thế mười lần, hai mươi lần, một trăm lần,…anh ta phát hiện ra quy luật: khi rơi thì cái nhẫn nói chung chạy theo hướng nào. Bởi thế lúc vào góc nhà kho tối om, anh ta tìm ra ngay chiếc nhẫn. Mà không chỉ chiếc nhẫn ấy, nhà kho ấy, mà dù chiếc nhẫn khác, rơi ở nhà kho khác cũng tối om như vậy, thì đối với anh làm Toán, tìm nó cũng chẳng khó khăn gì!
    Các phương trình, các lý thuyết Toán học cũng như ngọn đèn của bac Tom vậy. Có nó, người ta mới ìlàm Toán” được, tức là mới tìm ra quy luật của sự vật. Muốn trở về được với thực tiễn thì trước tiên phải biết rời xa thực tiễn, để không còn bị che lấp bởi cái rườm rà, không bản chất của đời thường. Ba trăm năm trước bác Tom, Newton đã từng nói: ìKhông có gì gần với thực tiễn hơn là một lí thuyết đẹp!”
  3. Bác Tôm đi về đâu?
    Người ta thường hỏi nhà Toán học: Lí thuyết của anh Ứng dụng vào đâu? Không phải lúc nào cũng có câu trả lời. Vào thế kỉ thứ 3 trước Công nguyên, nếu ai đó hỏi Apolonius rằng nghiên cứu các đường Conic (nhận được bằng cách cắt mặt nón bởi mặt phẳng) để làm gì, thì chắc Apolonius không trả lời được. Ông ta chỉ nghiên cứu các đường Conic vì thấy là chúng đẹp”. Không chỉ Apolonius không thể trả lời, mà hơn chục thế kỉ sau cũng không ai trả lời được. Phải chờ đến Kepler và Newton, tức là 20 thế kỉ sau, người ta mới biết ông già Apolonius đã từng làm trò chơi với các quỹ đạo chuyển động của các hành tinh! Bác Tôm có lần nói: đối với những người mở đường, đừng nói học đi đâu, ìquand on sait òu va, on va pas loin”. Thật thế, nếu anh định đi đến Thành phố Hồ Chí Minh thì chắc là anh cũng chỉ đi đến Cà Mau là cùng. Ngay như cái anh Armstrong, biết mình đi đến Mặt trăng thì cũng chỉ đến đó thôi, rồi về. Còn bác Tom chẳng biết mình đi đâu, nên bác có thể đi xa hơn, đến tận sao Hỏa, hay những miền đất mới của khoa học. Và chúng ta, dù không đi xa được như bác F.Hirzeburch, khi trả lời phỏng vấn của các nhà báo, trên cương vị là Chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học Châu Âu, đã nói: Người ta thường hay nhấn mạnh vai trò của bác Tôm, nhưng muốn ngày mai có bát cơm ngon, thì đừng quá sốt ruột nếu hôm nay chưa ra ngô, ra khoai” gì! Còn nếu muốn ra ngô, ra khoai” ngay thì có khi cả đời chỉ biết ăn ngô, ăn khoai! Một người bạn của bác Tôm, ông là nhà Toán học trong phát triển công nghệ, nhưng tôi nghĩ rằng, sẽ đến lúc công nghệ phát triển để giải phóng con người, cho họ thời gian quay về với thơ ca, âm nhạc và Toán học”. Phải chăng, Hizebruch muốn ám chỉ rằng, trong Toán học có hai phần: tính và toán. Nếu như tính rất cần thiết cho công nghệ, thì Toán, ngoài chức năng phát triển phần tính ra, còn gó phần làm nên Con Người, cũng giống như âm nhạc, nghệ thuật và thơ ca.

    Ngày xuân góp vài mẩu chuyện vui, không dám bàn đến sự sai đúng! Mà thật ra, đối với toán học thì “Chân lí là gì” vẫn là câu hỏi bất tận. Tôi rất muốn được nói về đề tài đó trong một bài viết khác.

24 thg 1, 2012

Lặng lẽ phút Giao thừa

  Sắc Xuân lạnh, lòng buồn tê tái;
Thương cho mình, thương cả cho ai?
(dangnba)
Ban thờ Tất Niên

Thú vui bên bàn đọc sách

Đào Nhật Tân nở muộn

Quất Tứ Liên

Bức sơn dầu "Đầu làng" nhớ về quê - Phòng ăn
Lặng lẽ sau phút Giao thừa


18 thg 1, 2012

Điểm báo

   Để lên được chức Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng không dễ, diện cán bộ Trung ương quản lý mà "ăn nói" như thế này thử hỏi lãnh đạo dân sao được?
GS. Đặng Hùng Võ: Phó Chủ tịch TP Hải Phòng nói linh tinh

Giun và Người

   Ngày còn đi học các thày cô giảng về Văn học Hiện thực phê phán, hai tác phẩm mà tôi vẫn còn nhớ đó là tiểu thuyết Bước đường cùng (1938) của Nhà văn Nguyên Công Hoan và Tắt đèn (1939) của Cụ Ngô Tất Tố là một thiên tiểu thuyết rất xúc động khiến người đọc "nhiều phen ứa nước mắt". Ngày ấy nhà nghèo mẹ không từ chối cho tôi tiền để mua bằng được hai cuốn ấy bây giờ vẫn còn trong tủ sách gia đình. Anh Pha cũng như chị Dậu đâu có muốn như thế, ai đã đưa họ đến chân tường? Cổ nhân dạy “con giun xéo lắm cũng quằn” với con mắt của Nhà văn đã khắc họa cho chúng ta hiểu tại sao anh Pha, chị Dậu phải hành động như vậy? Nếu là tôi hay bạn sẽ thế nào? 

14 thg 1, 2012

Nhưng lời tâm huyết của Giáo sư Tương Lai


    Vì đang nằm bệnh viện, không đủ sức để đến dự cuộc HỘI NGHỊ ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẮT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM lần thứ tư, Diễn đàn chính thức, mang tính hợp hiến mà về danh nghĩa thì tiếng nói tại đây được Đảng và Nhà nước trân trọng lắng nghe nên tôi muốn lên tiếng tại đó, do không trực tiếp đọc được, tôi đã gửi bài phát biểu đến ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch UBTƯMTTQVN yêu cầu được bố trí thời gian để Gs Trần Hậu, Ủy viên UBTƯMTTQVN khóa 7 đang có mặt tại Hội nghị đọc giúp. Đáng tiếc là điều đó không thực hiện được, và cũng như thói quen ứng xử “rất văn minh” đã thành nếp quen thuộc trong chế độ ta, tôi không được có bất cứ một hồi âm nào. Vì vậy xin gửi đến bạn đọc xa gần qua báo mạng được biết.
Tương Lai
 
Kính thưa các cụ,
Thưa quý vị
Làm nhiệm vụ của một ủy viên của UBTƯMTTQVN, như thường lệ mỗi năm một lần, tôi xin phát biểu một số ý kiến và kiến nghị như sau:
1. Bản báo cáo dài 17 trang, liệt kê tương đối đầy đủ những hoạt đông phong phú và cụ thể của Mặt trận các cấp trong năm 2011. Đọc kỹ, vừa lạc quan vừa bi quan.
Lạc, vì Mặt trận ta làm được quá nhiều việc, nhiều con số rất cụ thể và hoành tráng.
Bi, vì bị hụt hẫng do chờ đợi được đọc những dòng quan trọng nhất về một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Mặt Trận ở chiều cạnh vĩ mô mà năm ngoái, cũng tại diễn đàn Hội nghị lần thứ ba với sự có mặt của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi đã phát biểu về “cơ chế” chưa đươc đề ra nhằm thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận với đường lối, chủ trương chính sách và sự lãnh đạo của Đảng cũng như sự quản lý của Nhà nước và Hệ thống chính trị. Trong bài phát biểu đó, tôi đã trình bày rõ về “cơ chế cởi ra rồi lại buộc vào như chơi” với sự chỉ rõ ai cởi, ai buộc và kiến nghị phải tháo gỡ trong năm 2011. Thế rồi sau một năn hoạt động của Mặt trận các cấp trong một bối cảnh mà lý ra, tiếng nói giám sát và phản biện của MT phải kịp thời, mạnh mẽ và thiết thực nhưng rồi chỉ tìm thấy sự tháo gỡ ở câu kết cuối trang báo cáo về 9 công tác trọng tâm của MT: “Đặc biệt, là xây dựng và tham mưu để sớm ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Như thế cũng có nghĩa là, trong năm 2011, nhiệm vụ hết sức quan trọng và bức xúc của Mặt trận đã được ghi trong Nghị quyết Đại hội 11 của Đảng về giám sát và phản biện xã hội chưa được thực hiện vì chưa được “sớm ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN”! Vậy thì quy chế này do ai ban hành? Do Mặt trận phải chủ động xây dựng hay MT ngồi chờ Đảng ban hành?

Thật ra thì báo cáo cũng có nói về “công tác tham mưu ở tầm vĩ mô về chủ trương, chính sách” (giữa tr.16), nhưng là chính sách vĩ mô về “chế độ phụ cấp cho Trưởng ban công tác MT ở khu dân cư, phụ cấp trách nhiệm cho Ủy viên UBMTTQVN các cấp”! Sao lại xem việc góp ý kiến về phụ cấp lại là “tham mưu ở tầm vĩ mô về chủ trương chính sách” mà thật ra là xin tăng lương! Trong khi đó, những vấn đề rất bức xúc về chính trị, xã hội, kinh tế rất cần đôi mắt giám sát và tiếng nói phản biện mạnh mẽ lại không được đề cập đến.

2. Xin chỉ nói một chuyện, năm 2011 là năm đầy những biến động và thử thách cho việc lèo lái con thuyền đất nước vượt qua những con sóng dữ. Chưa lúc nào mà bản lĩnh Việt Nam cần phải được phát huy bằng lúc này trong cái thế kẹt địa-chính trị nằm sát cạnh một quốc gia khổng lồ về dân số, về tiềm lực kinh tế và quốc phòng khiến cho mộng bành trướng trỗi dậy mà cái lưỡi bò thè ra định nuốt trọn Biển Đông là một minh chứng. Trong bối cảnh đó, thì huy động trí tuệ và sức mạnh của cả dân tộc cùng với Đảng và Nhà nước vượt qua thử thách hiểm nghèo này là hết sức bức xúc. Vậy thì Mặt trận của chúng ta đã làm gì để đáp ứng điều đó khi mà sứ mệnh cao cả của MT là tập họp ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của tuổi trẻ và trí thức.

Mặt trận đã tỏ rõ thái độ của mình đối với hành động yêu nước của lớp trẻ, một biểu tượng rất đáng mừng, đáng khích lệ như thế nào. Sẽ là một sự bất công và quá thiển cận khi không thấy hết sức quật khởi của dân tộc vốn tiềm ẩn trong đời sống Việt Nam và khi được khơi dậy, được cổ vũ và phát huy sẽ trở thành một “làn sóng vô cùng mạnh mẽ, lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ.

Tôi đã tham gia biểu tình cùng lớp trẻ, đã trực tiếp chứng kiến hành động yêu nước của họ. Tôi thực sự xúc động và tự hào khi nhìn vào đôi mắt sáng trên gương mặt trẻ măng của các nam nữ thanh niên tự nguyện đi tuần hành hòa bình trên đường phố mặc dầu họ biết họ có thể bị bắt giữ, bị hành hung, bị đạp vào mặt, bị theo dõi chặt chẽ trong sinh hoạt thường ngày của họ. Họ chỉ có một trái tim yêu nước, một khối óc biết suy nghĩ, trong tay không một tấc sắt, họ xuống đường để biểu thái độ của thế trẻ Việt Nam lên án hành động xâm lược của những người nuôi mộng bành trướng. Mặt trận có đừng về phía họ không, có cổ vũ tinh thần yêu nước và ý chí bất khuất của truyền thống Việt Nam không? Chẳng nhẽ hình ảnh bất hủ của Trần Quốc Toản bóp nát quả cam đang cầm trên tay vì không được trao nhiệm vụ cứu nước đã là một biểu tượng lịch sử truyền thống không bao giờ phai mờ trong tâm trí Việt Nam vào lúc này khi “tái cơ cấu lại hệ thống giá trị” sẽ bị loại ra khỏi đời sống dân tộc?

Sâu thẳm trong tâm tư, tôi nghĩ rằng, đất nước này còn có một lớp trẻ như vậy sẽ là điểm tựa vững chắc cho sức vận động tự thân của của truyền thống dân tộc, khiến cho dân tộc này sẽ vĩnh viễn trường tồn, đó là niềm tin duy nhất vào lúc này. Cùng với lớp trẻ đó là những trí thức nhân sĩ yêu nước cũng đã có mặt trên đường phố để động viên lớp trẻ. Và cùng với hành động quả cảm đó, họ còn kiên trì nhẫn nại gửi những Kiến Nghị, những Tuyên bố đến những cơ quan có trách nhiệm điều hành bộ máy Đảng và Nhà nước một cách minh bạch, công khai và thật sự nghiêm túc. Những người ký tên vào các bàn Tuyên bố và Kiến nghị là những nhân sĩ đáng kính như cụ Nguyễn Đình Đầu, mặc dù đã 90 tuổi vẫn xuống đường cùng lớp trẻ. Những tên tuổi khác rất quen thuộc đối với những ai quan tâm đến vận mạng đất đã đọc những kiến nghị, những phát biểu thẳng thắn đầy tâm huyết của họ như giáo sư Hoàng Tụy, nhà toán học lớn của Việt Nam và của thế giới, như giáo sư Phan Đình Diệu, hiện là Ủy viên Đoàn chủ tịch UBTƯMT, và có những vị thiền sư, vị linh mục mà nhắc đến tên thì bà con theo đạo Phật hay đạo Thiên chúa đều biết đến. Đáng tiếc là cho đến nay họ chưa nhận được bất cứ một hồi âm nào cho dù lẻ tẻ đã có những lời hứa của những nhà lãnh đạo cấp cao sẽ có tiếp xúc, trao đổi. Đây là một câu hỏi lớn chưa lời đáp.

Liệu có phải vì việc “xây dựng và tham mưu để sớm Ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị xã hội” sẽ được tiến hành trong năm 2012 nên vừa qua chưa có quy chế trong việc nghiêm túc trả lời những kiến nghị của giới trí thức trong và ngoài nước. Tôi e không phải thế.

3. Một chuyện xưa như quả đất là khi đã nắm quyền lực trong tay thường nảy sinh ra một thói quen khó khắc phục là không muốn nghe những lời trái ý mình, không muốn chia sẻ quyền lực cho ai ngoài mình và vây cánh của mình. Biểu hiện dễ thấy của thói quen đó là chỉ muốn độc thoại chứ không quen đối thoại. Thói quen đó tự cho mình đã biết tất cả, chân lý là đã có sẵn, chỉ cần rao giảng và áp đặt. Người ta gọi đấy là sự tha hoá của quyền lực.

Thói quen ấy đi ngược với tư duy hiện đại về quá trình tiến hoá. Vì rằng “tiến hoá thực chất là đồng tiến hóa”. Tư duy hiện đại đã vượt qua sự cố chấp của “nguyên lý loại trừ” mà bước vào “nguyên lý bổ sung”. Độc thoại gắn liền với nguyên lý “loại trừ”, ai không phải là ta, không theo ta, tức là chống lại ta! Còn nguyên lý “bổ sung” thì khuyến khích thái độ lắng nghe để tiếp nhận thông tin, nhằm làm cho tri thức của mình luôn luôn mới, theo kịp được với nhịp phát triển liên tục của cuộc sống. Sự mở rộng của tri thức do được bổ sung liên tục, giúp hình thành và củng cố được ý thức và phong cách ứng xử khoan dung, cởi mở và sự hoà hợp, mong muốn làm bạn chứ không tự trở thành kẻ thù đối với người khác mình!

Và đấy chính là cội nguồn và cũng là cốt lõi của khái niệm dân chủ vốn đã ghi đậm trong tên nước và thể chế chính trị của nước Việt Nam được khai sinh bằng Tuyên Ngôn Độc lập 2.9.1945. Chữ đó có từ cội nguồn Hy Lạp, kratia là quyền và demos là dân, “democratie” trong tiếng Pháp và “democracy” trong tiếng Anh đều có ý nghĩa là chế độ dân chủ. Gợi lại cái gốc Hy Lạp để hiểu rằng “ Các nhà sử học về cổ Hy Lạp nhấn mạnh chỉ một chữ nằm tận trong thâm sâu của tư tưởng Hy Lạp, trong kịch, trong thực tiễn sống động của tổ chức dân chủ ở Athènes, trên chính nhan đề quyển sách của Platon,chữ đó là dialogue, đối thoại.

Gần đây hơn, Nelson Mandela, cựu Tổng thống Nam Phi trong cuốn tự thuật của mình “Con đường dài dẫn đến tự do” đã nói đến bài học dân chủ: “Bất cứ ai muốn phát biểu đều có thể nói. Đó là dân chủ trong hình thức thuần túy nhất”. Phải chăng nhà cách mạng đáng kính của nhân dân Nam Phi muốn gợi lại ý tưởng của Voltaire, người được xem là “người phát ngôn của tự do công dân” của thế kỷ “ánh sáng”: “Tôi có thể không đồng ý với điều anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền của anh được nói điều đó” (The Enlightenment. Age of Reason).

Cũng trên tinh thần đó, Hồ Chí Minh nói nôm na và đơn giản:“Dân chủ là để cho dân mở miệng ra. Dân chủ là đừng bịt miệng dân”. Có dân chủ thực sự hay không, không nên căn cứ vào lời nói mà căn cứ vào hành động thực hiện chỉ dẫn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vậy thì, trước diễn đàn của Mặt trận, mỗi năm một lần, tôi thiết tha kiến nghị với Đoàn Chủ tịch và Ủy ban TƯ nên nghiêm khắc nhìn lại trách nhiệm của mình trước dân tộc, trước các tầng lớp nhân và trên ý nghĩa đó, cũng là trách nhiệm trước Đảng lãnh đạo, vì MT đã thực sự là nơi tập hợp ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để chuyển đến Đảng, làm cho Đảng sát với dân, nghe được tiếng nói của dân.

Để kết thúc, tôi xin nhắc lại khí phách trước cường quyền và bạo lực của đồng chí Xuân Thủy, một cán bộ lão thành đã có công lớn trong việc thành lập và lãnh đạo Mặt trận Viện Minh, tiền thân của MTTQVN hôn nay qua bài thơ dưới đây ;

“Đế quốc tù ta, ta chẳng tù,
Ta còn bộ óc ta không lo.
Giam người trói cả chân tay lại
Chẳng thể ngăn ta nghĩ “tự do”

Xin trân trọng cám ơn các vị đã lắng nghe.

10 thg 1, 2012

Khó hiểu

    Những ngày gần đây xảy ra nhiều chuyện quá! Hà Nội và TP Hồ Chí Minh biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn và chiếm Hoàng Sa – Trường Sa, ngày nào báo chí cũng đưa những vụ bạo lực đến kinh hoàng, nổ mìn tại nhà GĐ Công an TN, đặc biệt cưỡng chế thu hồi đất đã dẫn tới 6 công an và bộ đội bị thương tại Tiên Lãng…Tại sao đi biểu tình “khép tội” nghe kẻ xấu xúi dục, nhận tiền của nước ngoài? Ông NN cả đời đi theo cách mạng từ ngày còn “anh hùng Núp”, đến “rừng Xà Nu”, vui vẻ từ chối giải thưởng và tiền thưởng sao ông vẫn đi biểu tình và tỏ chính kiến rõ ràng.  Nhìn đâu cũng thấy kẻ thù “thế lực thù địch”, “diễn biến hòa bình”, khép tội “chống thi hành công vụ”, “gây rối trật tự”…vì thể phải xa lánh, cách ly loại người này. Nếu vậy thì sống cùng ai? Tại sao không bình tĩnh xem xét nguyên nhân, hệ lụy?
  Có phải vì sự yếu kém của sự điều hành? Cơ quan nhà nước từ trên xuống dưới toàn còn ông cháu ai?  Dốt nát quá thể, viết văn bản gửi cho cho dân chỉ thấy sai mà vẫn ký hay do “thằng đánh máy” ? Chỉnh đốn đảng hãy từ những việc nhỏ.

5 thg 1, 2012

Chỉ có ở Hà Nội

   Thật khó cho Bộ trưởng Đinh La Thăng bao nhiêu giải pháp đưa ra đều bị dân la ó, có cả những điều cho rằng phạm luật. Hà Nội có thể là Thủ đô đứng đầu thế giới và các thành phố trong nước về nạn kẹt xe tắc đường, bất kể lúc nào không chỉ giờ cao điểm, mà cứ từ 6 giờ sáng đến 20 giờ hàng ngày ra đường đều bắt gặp cảnh này. 
 Với những hình ảnh này ông Bộ trưởng Thăng dễ bị "Knockout"











3 thg 1, 2012

My heart will go on

   Khi xem chương trình này nhiều khán giả trong đó có tôi phải lặng đi về một tài năng trẻ, không dám so sánh giọng hát của Celine Dion cũng với bài hát này nhưng rất tự hào về trẻ em Việt Nam hôm nay. 
   Đúng vào thời điểm tàu Vinalines Queen chìm 22 thủy thủ mất tích. Thật xót xa chia buồn cùng 22 gia định nạn nhân xấu số. Cho đến hôm nay chưa thấy có một lời phát biểu nào của "lãnh đạo" về vụ việc này. Ngày 19/12/2011 Tổng thống Chile trực tiếp cùng đoàn cứu nạn giải thoát cho 33 công nhân sau 69 ngày trong lòng đất. Người dân Việt Nam sao không được hưởng hạnh phúc như vậy? Cũng một kiếp người!

1 thg 1, 2012

Gặp nhau giữa Sài Gòn

    Tôi nhớ câu thơ của Nam Hà ngày còn đi học "Nước mắt dành cho ngày gặp mặt" và hôm nay đúng như vậy, mặc dù đã biết từ trước, khách sạn nhắn xuống có người gặp tôi vẫn bồi hồi khi gặp các em, các em khỏe mạnh cao lớn khác xưa.   Sau 24 năm từ ngày các em ra trường tôi làm chủ nhiệm nay mới gặp nhau, năm đó tôi, các em cùng các vị phụ huynh rất vui, vì cả lớp trên 80% đỗ đại học (lúc đó đỗ đại học rất khó), cũng là lúc tôi xa Thanh Hà về dạy ở trường năng khiếu Hải Hưng. 
   Từ đó đến nay mới có dịp gặp lại, bất ngờ nơi gặp nhau không phải ở trường Thanh Hà mà giữa thành phố Sài Gòn, T đi từ Vũng Tàu cách hàng trăm cây số về đây gặp tôi, rất tự hào khi các em trưởng thành, vui khi các em đã lớn khôn.  Tốt nghiệp ĐH một thân một mình vào trong này công tác, các em đã bắt nhịp với cuộc sống, tự khẳng định mình để vươn lên, có em nay đã là chủ nhiệm khoa của bệnh viện lớn, với nghị lực và trí tuệ của các em tôi thấy mình như trẻ lại như ngày còn dạy các em. 
  Chụp được vài bức ảnh để các em ở xa, và bạn bè biết được cuộc gặp gỡ này.