26 thg 10, 2012

Cô chủ nhiệm lớp 8 năm xưa

    Cô Nguyễn Tuyết M người Hà Nội, ra trường về dạy cấp 3 Thanh Hà và chủ nhiệm lớp tôi, cả trường chỉ có ba lớp. Nhà trường không có phòng cho giáo viên cô ở nhờ trong nhà dân, mọi sinh hoạt vùng quê quá cực khổ, bây giờ nhắc lại không ai tin cuộc sống thời bấy giờ, song cô rất yêu nghề và quý chúng tôi. Cô kể ngày ấy tôi nhỏ bé thường đi chân đất, quần nâu chân què đến phòng cô làm báo tường. Sau này tôi vào bộ đội thường đến thăm cô. 
   Cô bây giờ vẫn còn đi dạy cô bảo đấy là niềm vui, mặc dù chồng cô là GS đầu ngành về u biếu, các con dạy đại học ở Mỹ.
Thầy Đức ở SG, cùng đến thăm Viễn hiện giờ điều trị ở BV K


           

Tập làm vệ sĩ đưa cô về nơi sơ tán năm 1965

15 thg 10, 2012

Lỗi hệ thống

    Từ sáng nay không hiểu do lỗi của Google hay đã có kẻ "phá hoại", các blogspot đã bị xóa dữ liệu người truy cập. Một Nhà văn nghe tin vỉa hè thông báo rằng Trung Nam Hải can thiệp nên "công tác cán bộ" không thay đổi như vậy còn NHỮNG AI TIN VÀO SỰ LÃNH ĐẠO SÁNG SUỐT ?
 Không ít người cho rằng bây giờ chỉ còn sợ hãi và khinh thường.
 Chủ blog dangnba.blogspot.com từ hôm nay 15/10 sẽ nghỉ một thời gian để tìm thú vui khác.  
Xin lỗi các bạn dạy và học toán dù đã hứa mỗi tuần đưa một video clip dạy toán bằng Tiếng Anh nay cũng bỏ. 
   

14 thg 10, 2012

   Hai ngày cùng với Phòng Trung học và Cụm trường THPT Gia Lộc đi Lạng Sơn chia tay anh Đào Minh Tân tháng 11 nghỉ hưu.
   Tôi và anh Tân gắn bó với nhau từ những 1987 khi tôi về dạy ở trường Năng khiếu Hải Hưng (nay là trường Chuyên Nguyễn Trãi), vợ chồng anh Tân thông cảm với khó khăn của tôi, tạo điều kiện cho tôi trong sinh hoạt, lúc ấy tôi ở một mình chưa có nhà, vợ con ở xa, hàng ngày sống trong cảnh cơm niêu nước lọ, mọi thứ đều mượn của gia đình anh, có hôm mải làm việc cơm bị cháy hỏng cả nồi, anh chị mời sang ăn cơm....Thế mà đến nay đã 35 năm. Tôi vẫn nhớ mới như ngày nào "cái khổ" khó quên lắm.

Tại Nhà hàng Rùa Vàng (BG)

Lạng Sơn


Đỗ Bá Tưởng HT trường Đoàn Thượng

  

11 thg 10, 2012

Trả lại chân lý thực cho giáo dục


TS Tô Văn Trường

  Một trong các chủ đề tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XI của Đảng là thảo luận về giáo dục đào tạo. Nhiều người quan tâm đến giáo dục đại học và việc có bằng cấp khi ra trường để đi làm việc nhưng lại quên đi cái gốc của giáo dục lại hình thành từ những bậc học thấp nhất (mầm non, phổ thông). Sau việc sáp nhập Bộ Giáo dục với Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp trước đây thì dường như xu hướng nhấn mạnh hơn đến giáo dục bậc Đại học hơn là bậc học phổ thông càng rõ nét.
Dạy làm người và môn “Giáo dục công dân”
Các bậc phụ huynh học sinh đều biết hầu như các cháu chỉ được học về kiến thức chuyên môn của các môn học, nhất là các môn sẽ phục vụ cho việc thi vào đại học sau này. Các phần kỹ năng sống và cách trở thành một công dân tốt khá non nớt và thậm chí còn hạn chế hơn nhiều so với thời bao cấp xưa kia. Ở đâu đó có câu nói: “Nhà trường không chỉ cần dạy kiến thức mà quan trọng hơn là dạy các cháu làm người”. Tuy nhiên, môn giáo dục công dân, môn học có mục tiêu chính là giúp các cháu trở thành “người công dân” tốt cho tương lai, lại là môn học bị coi thường nhất và được giảng dạy một cách hời hợt nhất. Các thầy cô dạy môn này cũng cảm thấy buồn tủi vì ít được là “quan trọng” nhất. Phần trao đổi của thầy cô chủ nhiệm tại các buổi họp phụ huynh cũng ít đề cập đến việc các cháu đã có những biến chuyển gì trên phương diện trở thành công dân trong tương lai. Có ai thử đặt câu hỏi tại sao hầu như không bao giờ có chuyện một thầy/ cô dạy môn giáo dục công dân lại là một giáo viên chủ nhiệm?

Nhà trường “nhường lại” việc dạy làm người cho gia đình: Chính bố mẹ bây giờ lại trở thành thầy cô dạy giáo dục công dân cho các cháu. Bằng sự hiểu biết, quan tâm và nhất là bằng tầm gương của mình, các phụ huynh cần dạy các cháu phải trung thực, phải biết lao động và tự lo cho bản thân mình, biết rung cảm trước thiên nhiên và nghệ thuật, lòng nhân ái… Không phải phụ huynh nào cũng hiểu và có điều kiện và khả năng làm tốt công việc này.
Chương trình, sách giáo khoa, thi cử và hiện tượng “học trước”
Trên công luận đã phản ánh nhiều bất cập về chương trình, sách giáo khoa, và thi cử. Không giống như ở bất cứ nước nào và cũng không giống chính Việt Nam trước đây, trên thực tế các trường đều yêu cầu các cháu học trước. Có một thực tế là ngày khai trường hiện nay không còn cái cảm xúc bồi hồi của một ngày “tạm biệt mùa hè” và bắt đầu bước vào năm học mới khi hầu hết các trường đều tổ chức cho các cháu học từ lâu. Ở nhiều nơi trước khi vào tiểu học, các cháu đã phải biết đọc. Ở cấp nào các cháu cũng phải đi học thêm và học trước kiến thức. Thầy cô trên lớp lại dựa trên trình độ chung của các cháu học đã học trước nên đưa bài học đi quá nhanh khiến cho cháu nào không đi học trước khó mà theo được. Không thể không đặt ra câu hỏi vì lý do gì mà hình thành tập quán học trước như vậy? Trường nào cũng bắt học sinh nhập học sớm để “học trước” – vì lợi ích của học sinh hay vì lợi ích của thầy cô giáo? Tại sao thầy cô không dạy dựa trên trình độ của các cháu học từ đầu? Chương trình: có một hiện tượng cũng không giống ai là học và thi ở cấp III phổ thông mà lại đưa cả một số nội dung vốn thuộc bậc đại học vào coi như đánh đố các cháu.
Đầu tư như thế nào
Không đủ tin tưởng giao phó con em mình cho nhà trường, nhiều phụ huynh học sinh vì tương lai của con em mình đành phải tự mình dành thời gian, công sức trực tiếp hướng dẫn, dạy dỗ trong thời gian con cháu còn học phổ thông, thậm chí có người nói vui là gia đình đã chủ động thành lập một “ban giám hiệu tại gia”: Bố là hiệu trưởng, mẹ là giáo viên chủ nhiệm. Có vẻ như các cháu thiếu một người thầy đúng nghĩa trong trường quan tâm dẫn dắt các học trò thân yêu của mình, người mà sau này khi lớn lên các cháu vẫn còn nhớ đến với những tình cảm và kỷ niệm đẹp. Phần lớn các cháu đã gặp các “thợ dạy học”, chỉ lo hoàn thành tiết học của mình như “làm khoán” mà không quan tâm đến việc học trò của mình thực sự đã thực sự tiếp thu được những gì. Câu nói “lấy học trò làm trung tâm” hầu như vẫn còn là khẩu hiệu khi trên thực tế nhà trường và các giáo viên vẫn thực sự đang là “trung tâm”
Cái giá phải trả đầu tiên là có những bà mẹ không đi làm để thường trực 24/24 không chỉ để chăm lo cho các cháu mà còn để luôn sẵn sàng ứng phó với các cơn nóng lạnh bất thường đến từ nhà trường. Tôi có người bạn, may mắn trong gia đình có người vợ đảm đang, tháo vát, biết nghề sư phạm nhưng không đi dạy, mà gần như trở thành cô giáo chủ nhiệm chuyên nghiệp của con mình. Chính người phụ nữ này có tài bắt được “sóng” từ các đòi hỏi của các thầy cô và tìm cách hoá giải các thách thức này để cố gắng đảm bảo con mình được học tập bình thường, và được sống đúng với tuổi của các cháu. Chắc không phải người mẹ nào cũng có cái tài ấy và cũng không phải gia đình nào cũng có thể “bố trí” riêng một người lớn đảm nhiệm việc này.
Dạy thêm “Nồi cơm của nhiều thầy cô giáo”
Đây là căn bệnh trậm kha lâu nay chưa có thuốc chữa của ngành giáo dục. Hậu quả của nó không chỉ là sự tốn phí của cha mẹ học sinh mà cái dở nhất là nó đặt các cháu vào một mê cung giáo dục không thể kiểm soát nổi và vắt kiệt sức các cháu. Các cháu học thêm quá nhiều cái không cần và cũng không còn năng lượng để học nhiều cái cần. Nếu coi các cháu là sản phẩm của giáo dục thì sản phẩm đó cần được sản xuất từ một dây chuyền công nghệ khoa học với một quy trình chặt chẽ nhưng với việc học thêm không thể kiểm soát được thì làm gì còn quy trình nào nữa.
Không phải thầy cô nào cũng dạy thêm nhưng phần lớn ở các trường, các “học sinh thân yêu” đã trở thành khách mua dịch vụ trong con mắt của thầy cô giáo. Nếu không chịu học thêm thầy cô thì đương nhiên trở thành “đối tượng chống đối” lợi ích căn bản của thầy cô thì khó mà mong được điểm tốt và được đối xử thân thiện. Những điểm tốt do đi học thêm trở thành mối nguy hiểm cho tư duy và nhân cách của các cháu. “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” – có lẽ câu ngạn ngữ này chỉ đúng với kiểu thầy đồ dạy trẻ ở làng chứ bây giờ ý này lại góp phần sinh ra những tiêu cực trong quan hệ giữa thầy cô và gia đình.
“Xã hội hoá”: Báo chí mới đưa tin có những lớp học mới đây có “doanh thu 300 triệu” từ đóng góp đầu năm của phụ huynh cho những lớp “con nhà giàu”. Người ta đã thương mại hoá đến mức độ tổ chức những lớp học “5 sao” bên cạnh những lớp học thường mà không để ý xem liệu các lớp học “5 sao” này có giúp các cháu trở thành người tốt hơn không.
Có dịp đi vùng sâu, vùng xa, đặc biệt vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, sẽ thấy cảnh tượng những ngôi trường nứa lá xiêu vẹo, nơi các thầy cô “cắm bản” phải dành dụm đồng lương của mình để mua kẹo dụ dỗ các cháu đi học, nấu cơm cho các cháu ăn, gùi nước suối về cho các cháu uống. Chế độ chính sách cho các thầy cô này không khác là mấy so với các thầy cô tại Hà Nội hoặc các thành phố lớn khác.
Tại sao lại bắt các cháu người dân tộc học cùng chương trình với các cháu người kinh khi năng lực ngôn ngữ và tư duy của họ chậm hơn? Sao không cho các cháu dân tộc thiểu số học 2 năm một lớp. Thà các cháu học hết lớp 4, lớp 5 một cách đàng hoàng - biết đọc thông, viết thạo còn hơn là cố lôi các cháu lên cấp 2 lấy thành tích ảo để suốt ngày ngồi nhầm lớp.
Giáo dục phổ thông các nước tiên tiến
Giáo dục phổ thông có mục tiêu rất quan trọng là tạo ra con người đủ khả năng tự lập vào lúc 18 tuổi hoặc tối đa đến 21 tuổi. Vì vậy, ngoài kiến thức lý thuyết, 50% nội dung chương trình là giúp học sinh có đủ khả năng tự lập sau này: tính độc lập, kỹ năng giao tiếp, khả năng thủ công, khả năng kiếm việc làm , hiểu biết về xã hội và chính trị, sức khỏe.
Giáo dục còn giúp người học phát hiện khả năng của mình, chọn lựa nghề nghiệp dựa theo khả năng của mình. Ngoài ra một phần quan trọng là giúp người đó ra ngoài đời có đạo đức, có đủ tính cách được xã hội chấp nhận (chia sẻ, vì cộng đồng, trung thực, cần cù chăm chỉ, tôn trọng người khac ...), để có thể được coi là công dân của xã hội.
Điều gì rút ra
Mong muốn của phụ huynh học sinh có lẽ cũng rất giản dị (nhưng không dễ trong thời buổi hiện nay) là các cháu được sống và học tập hồn nhiên, lớn lên tự nhiên đúng với lứa tuổi của mình. Giáo dục phổ thông phải là giáo dục cho mọi người. Các cháu được dạy dỗ, rèn dũa để trở thành người công dân có ích là mục tiêu chính, song song với dạy kiến thức các môn học cũng như các kỹ năng sống.
Ngành giáo dục và nhà trường thiết kế và vận hành một quy trình giáo dục phổ thông tiêu chuẩn, không có học thêm (như Phần Lan chẳng hạn). Việc học bồi dưỡng thêm chỉ dành cho những trẻ đặc biệt – rất thông minh hoặc quá kém.
Hệ thống học hành, thi cử đúng với nghĩa là giáo dục phổ thông – cơ bản và đại trà. Không phải là một sự thách đố đối với các cháu và gia đình. Các thầy cô ứng xử đúng với 2 chữ “kỹ sư tâm hồn”, sống và làm việc đúng với lương tâm nhà giáo. Tình cảm thầy trò trở lại như ngày xưa, một thời tự nhiên, trong sáng.

Thay cho lời kết
Hệ điều hành: Khó tách giáo dục ra khỏi bức tranh chung của toàn xã hội. Rất khó chỉ đổ trách nhiệm riêng cho các thầy cô giáo, các nhà trường, và thậm chí cả Bộ trưởng Bộ giáo dục về thực trạng yếu kém của mặt bằng giáo dục hiện nay so với các nước xung quanh và so với chính Việt Nam trước đây. Những bệnh tật trầm kha trong cơ thể xã hội đã quyết định các khuyết tật trong ngành giáo dục, cũng như trong các ngành khác. Xã hội phải lành mạnh thì giáo dục mới lành mạnh.
Chính trị hoá mọi thứ làm xơ cứng những giá trị thuộc về tâm hồn. Liệu đã có ai thống kê có bao nhiêu sự giả dối (do bị chính trị hoá) đã được mang vào các trang sách của học trò trong suốt 12 năm học phổ thông? Sự giả dối trong giáo dục cũng bắt nguồn từ đây. “Bệnh thành tích” nan giải hiện nay chẳng qua cũng là một tên gọi khác của sự giả dối. Muốn giáo dục thực sự là khoa học đào tạo con người phải bỏ tuyên truyền chính trị kiểu như hiện nay ra khỏi giáo dục. Nếu có còn, chính trị cũng phải là một môn khoa học chứ không phải là một sự tuyên truyền có tính áp đặt của những ai đó có quyền hành.
Cũng như nhiều lĩnh vực khác, cần phải trả lại chân giá trị cho giáo dục. Loài người đã sang thế kỷ 21, để vận hành xã hội, trong đó có giáo dục một cách tử tế không phải là điều quá mới và quá khó. Phải xây dựng lại mục tiêu giáo dục. Cũng như các lĩnh vực khác, muốn cải cách giáo dục thì trước tiên phải cải cách hệ điều hành và con người lãnh đạo.
T.V.T.

8 thg 10, 2012

MẤT NIỀM TIN


   Sáng nay ra đường gặp một đoàn xe ba bánh dương cờ Tổ quốc diễu phố, mỗi khi gặp xe tự chế này tôi đều phải tránh xa, không biết họ có phải là thương binh thật hay giả, trên xe có dòng chữ “Tàn mà không phế”, tôi cũng là thương binh hạng ¾ nhìn họ mà thấy chạnh lòng, họ phải bươn chải kiếm sống nuôi vợ nuôi con. Về nhà đọc mạng mới biết họ đi vòng Bờ Hồ, nhà ông Thị trưởng, Văn phòng Chính phủ đòi hỏi quyền lợi, lên án mấy tháng trước vụ thương binh đến Thư viện Hán Nôm quấy phá.
  Nhiều năm nay không biết bao lần tôi đọc bản kiểm điểm trước tổ “ Luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ…”, hóa ra mọi người ai cũng giáo điều như vậy cả. Chẳng tìm thấy một ai viết khác! Có chăng chỉ khi phát biểu có khác đi, thành thật hơn vì “lời nói gió bay” có kêu ca than phiền cũng vậy.
 Ai cũng mắc bệnh nói dối, đã vậy lại còn cao giọng dạy đạo đức cho người khác “tính trung thực, lòng dũng cảm, tình nhân ái…” đúng là cả lũ chém gió.
 Không thể hoài nghi khi lực lượng bảo vệ dân ghi trong cáo trạng “chứng cớ là hai bao cao su đã qua xử dụng” để bắt người.
 Vụ Tiên Lãng phá nhà dân gần một năm mà chưa chỉ ra được ai, công an Văn Giang đánh nhà báo khi đang tác nghiệp rồi cũng rơi vào quên lãng...
 Chỉ có Phạm Chí Dũng tốn bao giấy mực kể tội ăn cắp tài sản của dân, ai tiết lộ để cho y bỏ trốn, chỉ có việc bắt Dũng báo chí đưa lên rồi lại xóa chẳng hiểu đúng hay sai, tin bắt  Phạm chí Dũng mỗi lúc một khác. Di lý Dũng từ TP HCM ra Hà Nội các báo đều ngửi hơi qua báo Lao Động. 
 Rồi những ngày đầu tháng 10 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc lời khai mạc Hội nghị Trung ương 6 phải thốt ra mà thấy buồn Hội nghị khó, và nhạy cảm
  Bên ngoài giá cả các loại hàng cứ tăng dựng đứng, nhất là giá vàng. Từ xa xưa ông cha vẫn thường nói vàng 8 vàng 10, sau này vàng 18K, 24K, rồi vàng Mỹ nhập vào được gọi vàng bốn số 9 (9999). Đùng một cái Nhà nước lấy vàng SJC làm chuẩn, dân nháo nhào bán vàng phi SJC để lấy vàng chính hiệu SJC nếu đem đong đếm hai vàng này là một.
 Cũng nhờ giời mua được cây SJC để phòng thân nay lại có giá.
  Cuối cùng chính sách quy đổi vàng làm lợi cho “Nhà nước” thiệt hại là dân. Thế mà bảo không có lợi ích nhóm!
Thử hỏi như vậy sao mà tin tưởng được.

Origami Proof of the Pythagorean Theorem

7 thg 10, 2012

Hội thảo Khoa học ở Hạ Long

    Hai ngày đi khỏi Hà Nội tránh sự ồn ào, bon chen, bụi bặm. Không mang theo laptop, iPad, từ bỏ xem bóng đá ngoại hạng Anh để đi chơi thoải mái, đồng thời tập trung đọc tài liệu cho Hội thảo Khoa học Bồi dưỡng giáo viên Chuyên toán năm 2012.
   Gặp lại mọi người thật vui vẻ, học sinh cũ đến thăm ở khách sạn trò chuyện "chính chị chính em". Tiến sỹ Lưu Bá Thắng học sinh Nguyễn Trãi ngày xưa, nay dạy ở Khoa toán Đại học sư phạm HN cũng có tham luận trong Hội thảo.
 Hội Toán học Hà Nội tổ chức cho mọi người thăm Thiền viện và Đền Cửa Ông.



Báo cáo tham luận

GS TSKH Nguyễn Văn Mậu trình chiếu bài tham luận của tôi

Sau giờ Hội thảo





Thày và trò (TS Lưu Bá Thắng ĐHSP)
  

4 thg 10, 2012

Dân cần có "LÃNH ĐẠO SẠCH"


    Hai lần được nghe triển khai Nghị quyết Trung ương 4 và 5, báo cáo viên ở Học viện CTQG và Tuyên giáo thành phố. Hội nghị kết luận “Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương 
Công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt được yêu cầu "ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng". Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
  Nhưng điều đáng buồn cả hai lần dự tôi đều thất vọng. Câu hỏi tôi gửi cho báo cáo viên “khó” nên trả lời lung túng thực ra họ chưa đủ tầm để trả lời những câu hỏi như vậy. Họ quen nói cho dân chỉ biết nghe.
 Từ đó đến nay Ban tuyên giáo Trung ương hoàn thành tốt việc tuyên truyền hai nghị quyết trên, nhiều các cụ lão thành cách mạng tin tưởng qua kiểm điểm sẽ làm trong sạch đội ngũ, "không có nguy cơ tới sự tồn vong của chế độ".
  Dân chúng ngồi quán nước theo kiểu “Gái góa lo việc triều đình” bàn hết chuyện này đến chuyện nọ, ông này thay ông kia…cuối cùng một ông phát ngôn “ tắm mà không cởi truồng sao mà mà sạch được”.
  Cách đây hơn 10 năm, lúc ấy phong trào ô nhiễm môi trường được chú ý, tôi nhớ buổi trưa vào một quán ăn có món lẩu, nhà hàng đem ra một đĩa rau, một người trong đoàn hỏi:
- Đây có phải là rau sạch không?
- Các bác yên tâm, nước ở đây thoải mái không như ở thành phố, rau nhà cháu rửa 3 lần rồi. Mọi người cười ồ, nhà hàng chẳng hiểu sao.
Ngày nay ở đâu cũng nghe “rau sạch”, “thịt sạch”, “thực phẩm sạch”…
 Nhưng ít người nói ra đó là điều dân cần thời đại này hãy có “lãnh đạo sạch”.