28 thg 2, 2013

ÔNG NGUYỄN ĐÌNH LỘC CÓ RÚT CHỮ KÝ KHỎI BẢN KIẾN NGHỊ 72?


NGUYỄN TRỌNG TẠO

Ông Nguyễn Đình Lộc trao bản kiến nghị 72
  Hôm 23/2 tại Vinh, ông Nguyễn Sinh Hùng có nói với chúng tôi trong bàn tiệc đầu tư (có Vương Đình Huệ, Phan Đình Trạc, Hồ Phi Phớc…) rằng: Ông Nguyễn Đình Lộc nói sẽ rút chữ ký khỏi bản “Kiến nghị 72” về sửa đổi Hiến pháp; nhưng mới nói chứ chưa có văn bản. Trưa hôm đó, tôi gọi điện cho ông Nguyễn Đình Lộc hỏi xem thông tin ông Nguyễn Sinh Hùng đưa ra có đúng không, thì được ông Lộc cười nói: Làm gì có chuyện đó; mình có rút gì đâu! 
Theo tôi thì ý của ông Chủ tịch Quốc hội (và ý của ĐCS?) là không vui khi có ý kiến góp ý nên xem lại điều IV hiến pháp sửa đổi, hoặc không nên để điều này trong Hiến pháp. Ông Hùng cũng khuyên tôi nên rút chữ ký trong cái góp ý đó. Tôi cũng nói với ông và mấy người cùng bàn rằng: Tôi ký vì tôi thấy hợp lý dù tôi cũng không tin là các vị nghe. Khi các trí thức hưởng ứng lời kêu gọi góp ý thì đấy là điều vui; khi những người ấy không thèm góp ý nữa thì đó mới là điều đáng buồn.
Tôi nghĩ đơn giản, nhiều người góp ý bỏ điều IV không phải muốn “lật đổ hay chống ĐCS” mà vì họ muốn có một Hiến pháp của Dân hoàn toàn Dân chủ theo hướng Nhà nước pháp quyền. Nếu không có điều IV thì ĐCS vẫn mạnh, vẫn là lực lượng nòng cốt trong thể chế Nhà nước ta hiện nay, vì vẫn chỉ có 1 đảng. Thậm chí nếu có những đảng khác như thời Bác Hồ thì ĐCS vẫn mạnh, vẫn là lực lượng chính trong trường chính trị. Còn nói người góp ý bỏ điều IV là muốn “lật đổ hay chống ĐCS” là đã phụ tấm lòng và trách nhiệm của người góp ý.
Tôi nghĩ, các vị lãnh đạo nên thân trọng trong các nhận định về việc trưng cầu dân ý, không nên quy kết hay khép tội những ý kiến khác mình.
Đa ý kiến là biểu hiện của dân chủ, có thể có những kẻ lợi dụng để xuyên tạc, nhưng không phải ai có ý kiến khác cũng đều là xuyên tạc, phản động. Tôi không nghĩ đa ý kiến là suy thoái đạo đức hay tư tưởng như có người đã nhận định. Tôi cũng nói với ông Nguyễn Sinh Hùng: Chúng tôi góp ý thế, các vị nghe thì nghe không nghe thì thôi; chúng tôi chỉ có quyền góp ý chứ chúng tôi có quyền quyết định gì đâu.
Tôi nghĩ ông Nguyễn Đình Lộc (nguyên Bộ trưởng Tư pháp), Hồ Ngọc Đại, Nguyên Ngọc, Việt Phương, Chu Hảo, v.v… cũng chỉ nghĩ như tôi mà thôi. Nhưng tôi vẫn hy vọng, Quốc hội, Nhà nước và ĐCS vẫn đặt lợi ích của Quốc gia, của Nhân Dân lên hàng đầu trong sửa đổi hiến pháp và trong việc điều hành đất nước.
Đi qua Ba Đình, nhìn vào Lăng Bác, bỗng dưng muốn khóc…
28/2/2013

27 thg 2, 2013

VÌ người ta cấn ánh mặt trời


  Sau khi bài viết của Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, nhiều độc giả đã quan tâm đến sự "tồn vong" chế độ, nhiều câu hỏi đặt ra về nhà báo Gia đình & Xã hội khi bị buộc thôi việc. GS Ngô Bảo Châu đã đăng bài thơ của Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên trên trang  Thích học toán.

  Đây là một bài thơ của ông Nguyễn Đắc Kiên, trong tập thơ Những số không vòng trắng
——–
tôi chưa thấy một đêm nào dài thế,
bốn ngàn năm, giờ lại ngót trăm năm.
hết phong kiến độc tài, đến lũ bạch tuộc thực dân,
hết quân, hết vương, đến lũ tượng thần chủ nghĩa.
bao thế hệ siết rên trong gọng kềm nô lệ.
chuyên chế dã man đục rỗng chí con người.
cha tôi, ông tôi, bao thế hệ ngủ vùi.
tôi chưa thấy một đêm nào dài thế.
không ánh mặt trời, bóng tối chí tôn,
lũ quỷ ám thừa cơ toàn trị,
khủng bố dã man, reo rắc những kinh hoàng,
biến lẽ sống thành châm ngôn “mày phải sợ”.
mày phải sợ mày ơi mày phải sợ,
sợ nữa đi có sợ mãi được không,
cốt tủy mục rỗng rồi trí óc cũng tối đen,
mày lại đẻ ra lũ cháu con “biết sợ”.
bao thế hệ đã ngậm ngùi mắc nợ,
lũ chúng ta lẽ nào lại mắc nợ mai sau,
còn chần chừ gì mà không tỉnh dậy mau,
sống cho xứng danh xưng con người trên mặt đất.
tôi chưa thấy một đêm nào dài thế,
cũng chưa thấy có ngày mai nào không thể.
vì người ta cần ánh mặt trời,
tỉnh dậy đi lũ chúng ta ơi!
hà nội, 25.2.2012

26 thg 2, 2013

Nên tạm dừng dự án



  Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay và thực lực của một tập đoàn nhà nước như Vinacomin thì cách tốt nhất là tạm dừng dự án khai thác bauxite Tân Rai (Lâm Đồng).
  Xét thuần túy về khía cạnh kinh tế, tôi nhận thấy rằng, Vinacomin không đủ nguồn lực để thực hiện dự án. Vinacomin đã không trung thực trong bài toán kinh tế bằng cách gạt một số hạng mục đầu tư ra ngoài để khẳng định, nếu làm sẽ có lãi. Nhưng lúc bắt tay vào triển khai, Vinacomin lại đòi hỏi nhà nước phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường sá để vận chuyển sản phẩm ra cảng phục vụ xuất khẩu. Đó là cách tính toán rất “cùn” trong kinh doanh, bởi khi đầu tư dự án, nhà đầu tư phải tính cả chi phí vận chuyển chứ không thể bỏ ra ngoài như Vinacomin. Chưa nói xuất khẩu sản phẩm của dự án lại phụ thuộc vào một thị trường, thì hiệu quả kinh tế cũng rất bấp bênh. Tóm lại, dự án không thể đem lại hiệu quả kinh tế...
  Cho nên, tạm dừng triển khai dự án cũng là cách hạn chế thiệt hại, bởi nếu tiếp tục làm, khả năng thiệt hại về kinh tế sẽ lớn hơn rất nhiều. Còn dừng lại đến bao giờ thì hãy để thời gian trả lời, khi thế hệ con cháu mai sau có khả năng về quản trị tốt hơn, cách thức tổ chức nền kinh tế tốt hơn hoặc thực lực của nền kinh tế mạnh hơn... sẽ tiến hành làm. Một khoản tiền đầu tư lớn của nhà nước đã đổ vào dự án. Có thể tính được những thiệt hại tiếp theo nếu vẫn cứ triển khai dự án theo phương án hiện nay. Mặt khác, tạm dừng để xem xét lại đồng nghĩa với lòng tin được củng cố.
 (Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN)

25 thg 2, 2013

Thư ngỏ


Thư ngỏ của TS Tô Văn Trường gửi PTT Hoàng Trung Hải về Dự án Bô-xít

Dear Anh Hoàng Trung Hải
25-02-2013
Dự án bô xit đúng là chủ trương lớn của Đảng gây ra nhiều tranh cãi. Chỉ riêng cá nhân tôi tính đến nay đã có 11 bài viết dưới các góc nhìn khác nhau về dự án này. Bài viết mới nhất  CON “CHUỘT BẠCH”  KHỐN CÙNG được đăng tải rộng rãi trên các trang mạng xã hội đã nói hết những gì cần nói.
Có thể khẳng định dự án bô xít là một dự án gây chia rẽ sâu sắc nhất trong lòng người dân Việt Nam, là phép thử thực sự cho tiến trình dân chủ của đất nước. Nhiều chuyên gia, nhân sỹ, trí thức và đông đảo nhân dân ở trong và ngoài nước đã đồng loạt kiến nghị Đảng và Nhà nước dũng cảm dừng dự án khai thác bô xít Tây Nguyên dựa trên nhiều phân tích sâu sắc ở các góc độ khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường rất khách quan và thuyết phục. Kiến nghị đó được sự đồng thuận và nhất trí rất cao của nhân dân. Kết quả thăm dò của Diễn đàn kinh tế Việt Nam VNR500 và báo Dân Trí có đến 96% người dân đồng ý dừng dự án bô xít Tây Nguyên. Đấy là con số sống động phản ánh ý dân, lòng dân không thể bỏ qua trong một xã hội dân sự, nhà nước pháp quyền.

Những bài học nóng hổi tính cách mạng, khẳng định bản lĩnh, vai trò lịch sử và tấm lòng vì nước vì dân của những người đứng đầu nhà nước vẫn còn đó. Quyết định kéo pháo ra khỏi Điện Biên Phủ ngay trước thời điểm nổ súng đã ấn định của Tổng tư lệnh  Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương trung thực, dũng cảm, khẳng định trách nhiệm sắt đá với công sức và xương máu của nhân dân, của chiến sỹ bộ đội đã được hậu thế ghi tiếng thơm mãi mãi vào sử sách. Người dân luôn nhớ Tổng bí thư  Trường Chinh đột phá tư duy, dám lật ngược vấn đề, truy đến cùng những hạn chế của mình và hệ thống bấy lâu nay để vạch lối thoát cho Đảng, cho đất nước – viết lại Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ VI và quyết liệt tổ chức đổi mới, sau đó khẳng khái bàn giao lại cho thế hệ kế cận. Ngày nay toàn Đảng nhớ ơn ông, coi ông là ví dụ sinh động về con người vì nước vì dân, vượt lên hạn chế bản thân, hạn chế thời đại để phản tỉnh kịp thời trước tụt hậu và bế tắc của hệ thống, đưa đất nước sang trang mới và hoàn thành sứ mệnh lịch sử, chia tay đỉnh cao quyền lực thanh thản, ung dung.
Thủ tướng  Nguyễn Tấn Dũng mới tuyên bố quyết định không làm cảng Kê Gà nhưng vẫn chưa đủ can đảm nỗ lực giải quyết hậu quả và trọn vẹn vấn đề bô xít như mong muốn trông đợi của người dân. Tôi hiểu và chia sẻ cái khó của người đang  “cưỡi trên lưng hổ”!  Là người trực tiếp giúp việc Thủ tướng, nếu Anh Hải dũng cảm nhận thấy cái sai của người thừa hành sẽ tạo thành động lực, chia sẻ để Thủ tướng có những quyết định tỉnh táo, quyết liệt vượt lên chính mình.
Riêng về bài toán kinh tế của dự án , cách đây hơn 2 năm khi VNN- TuanVN vừa mới đăng bài viết của tôi phê phán về phương pháp luận, cách tính kinh tế sai lầm của Tập đoàn khoáng sản,  nhận được điện thoại của PV (Ban biên tập) cho biết ngày mai phía Tập đoàn  sẽ có phản hồi bài viết của tác giả. Tranh luận về khoa học phải công khai sòng phẳng cả về lý luận và số liệu, tôi nhờ PV chuyển tiếp một loạt câu hỏi cần phải làm rõ của bài toán kinh tế. Biết chắc là THUA lại  sợ “vạch áo” cho người xem lưng nên họ rút lui, không gửi bài phản hồi nữa.  Tôi đã trao đổi với các chuyên gia kinh tế độc lập cả trong và ngoài nước dù có ngụy biện cách nào thì bài toán kinh tế  bô xit chỉ có lỗ và lỗ chưa kể các mặt tác hại về môi trường và văn hóa xã hội.
Cái gốc cuối cùng vẫn phải là dân chủ hóa xã hội để mỗi quyết định quan trọng của đất nước được đưa ra đều phải có chất lượng dựa trên một quy trình khoa học, chuẩn mực. Việc cần nhất để danh chính ngôn thuận thì phải thành lập BAN hội đông gồm các nhà khoa học độc lập, có uy tín cao đánh giá toàn diện dự án làm tham mưu cho Đảng và Nhà nước ra quyết định cuối cùng.
Vấn đề thứ hai, liên quan đến dự án cảng tỷ đô Lạch Huyện. Tôi là thành viên trong Hội đồng thẩm định  nhà nước về báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM của dự án này. Có thể nói chưa có Hội đồng nào phải họp nhiều lần như thế và cũng chịu sức ép như thế! Mặc dù kết quả bỏ phiếu cuối cùng có 3 phiếu không thông qua (trong đó có tôi) nhưng các phiếu còn lại  chỉ đồng ý thông qua với điều kiện phải sửa 20 điểm theo góp ý của Hội đồng. Buổi họp mới đây nhất, tôi vắng mặt vì đang đi công tác ở Nhật Bản, được biết  rất nhiều điểm góp ý của Hội đồng lần trước vẫn chưa được chủ đầu tư là Bộ giao thông vận tài và tư vấn JICA Nhật Bản giải đáp thế nhưng người ta vẫn đá “quả bóng” lên lãnh đạo Bộ Tài nguyên môi trường để xem xét, quyết định. Xin lưu ý Anh là vấn đề xin chủ trương đồng ý đầu tư của Quốc hội theo quy định của Nhà nước, Bộ giao thông vẫn tìm cách “lách luật”.  Ngay cả phát biểu của đại diện Bộ Văn hóa và công văn trả lời chính thức của Bộ Văn hóa cũng không hề khẳng định đồng ý với dự án cảng Lạch Huyện!???
Trí tuệ, tầm nhìn, và cách hành xử  của hai ông Bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng và Bộ Tài nguyên môi trường Nguyễn Minh Quang, tôi chưa muốn bàn luận ở đây nhưng xin nói rõ nếu họ “cố đám ăn xôi”, và mượn danh theo chỉ đạo của Chính phủ (có thể kể cả Anh Hoàng Trung Hải) để phê duyệt báo cáo ĐTM của  dự án thì dù là chỗ quen biết Anh, tôi vẫn phải gọi đúng tên  là tội đồ của đất nước.
Tôi đang phải dành thời gian tham gia viết cuốn sách liên quan đến tài nguyên nước và môi trường với APU (Nhật Bản) và viết góp ý cho một số báo cáo  nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước dạng tiềm năng thuộc chương trình KC08/11-15 của Bộ KHCN. Tuy bận, nhưng  trong một ngày gần đây, tôi sẽ tiếp tục chỉ rõ các “lỗ hồng” không thể sửa chữa của bài toán khuếch tán và lan truyền bùn cát của việc nạo vét 40 triệu mét khối ở cảng Lạch Huyện do JICA thực hiện để rộng đường công luận.
Thời gian không chờ đợi ai. Chúng ta, bất cứ ai sinh ra dù quyền lực, tiền bạc đến đâu rồi cũng về với cát bụi. Thời đại thông tin ngày nay không phải chờ  đến khi lâm trung hay về cõi vình hằng mới được lịch sử phán xét. Xin mượn lời Alexandre Đại Đế để kết luận cho bức thư này: ” Ta muốn chính các bác sĩ giỏi nhất khiêng quan tài của ta để chứng tỏ rằng, đối diện với cái chết, chính họ cũng không có quyền năng chữa lành bệnh. Ta muốn mặt đất được phủ đầy kho báu của ta để mọi người hiểu được rằng những tài sản vật chất thu gom được tại đây sẽ ở lại trên mặt đất này. Ta muốn hai bàn tay ta được thò ra ngoài quan tài và đong đưa theo gió để cho dân chúng thấy rằng chúng ta đến cõi đời này với hai bàn tay trắng, và chúng ta sẽ ra đi cũng với hai bàn tay trắng khi chúng ta đã xài hết kho tàng quý giá nhất của mỗi chúng ta là thời gian!”
Chúc Anh luôn mạnh khỏe, mọi sự tốt lành
Kính
Tô Văn Trường

Thầy giáo làm Ảo thuật gia

23 thg 2, 2013

Trên trang của Bùi Văn Bồng


TS. TÔ VĂN TRƯỜNG

              Nhìn lại cả quá trình phản biện xã hội về dự án bô xít Tây Nguyên, rất nhiều nhà khoa học, người dân đã không tiếc thời gian, công sức nghiên cứu, tìm hiểu đi thực tế, phân tích đánh giá toàn diện dự án để khuyên can, kể cả lấy chữ ký kiên trì kiến nghị tập thể của hàng nghìn người nhưng kết quả  như  “đàn gảy tai trâu ” nên mới tới cơ sự này.
             Mấy hôm nay, lại bùng lên 2 sự kiện là Thủ tướng tuyên bố dừng cảng Kê Gà và thông tin là làm kiểu gì cũng lỗ! Thông tin xấu không bưng bít được nữa. Vinacomin chắc cũng hết “máu” rồi nên đang “giẫy chết” và đang bắt đầu điệp khúc “chỉ triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ ” – tức là đổ tội cho Thủ tướng đây. Trước đây, Thủ tướng đã có lần đăng đàn nói rõ dự án bô xít  là chủ trương lớn của Đảng. Còn Đảng là ai và có thể đổ tội cho ai đây?!!!  Ngay nhiều vị lãnh đạo chủ chốt đương chức hiện nay đã từng nói như ra lệnh cho Quốc hội "Đã quyết rồi"! Liệu có thể lôi ra công luận, và tòa án lương tâm  ông cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh,  cái người cả gan ký với Tàu năm xưa đã kịp hạ cánh an toàn về cưới cô vợ trẻ hay không?
          Có 2 việc quan trọng cần phải làm ngay. Thứ nhất là thành lập Ban Thẩm định đánh giá độc lập xem xét lại toàn diện về dự án bô xít. Các số liệu “ma, ảo thuật” liên quan đến dự án là  trách nhiệm cụ thể của ai? Dừng ngay bây giờ thì còn phúc cho dân tộc, cho dù đã đầu tư tốn kém đến đâu chăng nữa. Cần phải dừng ngay dự án để xác định rõ những  kẻ tiếp tục “cố đấm ăn xôi” hay ngoan cố  để vụ lợi hoặc chạy trốn trách nhiệm. Thứ hai là bài học nào từ sự kiện này có thể rút ra cho việc ra các quyết định chiến lược và lắng nghe phản biện xã hội?
          Người dân có quyền đặt câu hỏi vì lý do gì khi dự án bô xít Tây Nguyên biện giải ở trên giấy cũng còn chưa xong, khía cạnh nào cũng thấy lo “điên đảo luôn” (ngôn ngữ của Táo quân), giờ thì làm kiểu gì cũng lỗ nữa thì tại sao lại còn làm? Có mục  tiêu thật nào chưa nói ra không? Tại sao nhìn vào đâu cũng thấy công nghệ Trung Quốc, công nhân Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sản phẩm bô xít gần như duy nhất là Trung Quốc?  Chỉ có điếc và mù mới không biết Trung Quốc đang nhăm nhe muốn nuốt chửng Việt Nam.
          Lý do chính để Đảng và Nhà nước vẫn quyết  tâm thực hiện dự án bô xít lâu nay vẫn là hiệu quả kinh tế trên giấy. Nay thực tiễn, bước đầu đã bác bỏ thành lũy cuối cùng của một  thứ lập luận lừa dối thiên hạ này. Các loại VINA  lâu nay có làm được cái gì ra hồn đâu ngoài việc xà xẻo phần trăm các dự án cho vào túi riêng. Các mặt khác như văn hóa, an ninh quốc phòng, môi trường vv…các chuyên gia, các nhà khoa học  đã nói từ lâu, không ai có thể bào chữa được nữa về mức độ rủi ro cao và tác động xấu của dự án. Có điều trước đây người ta vẫn nói theo kiểu “cả vú lấp miệng em” là do ta nghèo nên vẫn phải  chấp nhận hy sinh một vài thứ để có cái ăn.
Về các bài học thì có lẽ vẫn là về  lỗi hệ thống.  Về quyết định chiến lược, lâu nay có một thực tế tệ hại là đất nước cứ bị mang ra làm trò thí nghiệm.  Đất nước và dân tộc ta đang là một con “chuột bạch” khổng lồ!  Có một loạt việc tày đình được quyết định rất ẩu và khoác một cái vỏ bọc an toàn là ”thí điểm” để có thể thành công hay không thì kẻ phạm tội vẫn có cửa thoát thân. Nếu coi  những chuyện lớn như vậy là thí điểm thì quả là người ta đã mang đất nước ra để làm trò đùa. Thí điểm tập đoàn nhà nước, hút  hết máu của nền kinh tế thì  là chuyện thật chứ còn thí điểm gì nữa. Thí điểm 2 nhà máy bô xit, đây là đầu tư thật cả tỷ đô la  và kéo theo một loạt các  hạ tầng phụ trợ , lại là thí điểm. Nếu công luận không sớm lên tiếng thì quy mô khủng có thể bắt đầu ngay chứ đâu chỉ giới hạn ở 2 nhà máy.
Lần này, các lãnh đạo Vinacomin còn đang sống sượng,  muối mặt phán bừa rằng biết đâu trong 30 năm nữa thì giá nhôm sẽ lên cao thì dự án lại hiệu quả!!!  Cần phải đánh giá lại toàn diện dự án để từ đó rút ra bài học về những sai sót trong việc quyết định làm dự án. Trong việc đánh giá lại, nên loại bỏ quyết định mang tính chính trị mà  phải xây dựng trên việc đánh giá lợi ích kinh tế và môi trường. Làm đến đâu, chỉ mang tính thử nghiệm, hay khai thác đáp ứng nhu cầu của thị trường thì phải xem xét lợi ích kinh tế như thế nào, có tính đến cả giá của nó trong thời gian sắp tới. Theo tôi,  5 năm trước mắt, giá alumin khó lòng mà đi lên vì kinh tế thế giới sẽ tiếp tục yếu. Theo bài báo Wall Street Journal, về cung vẫn cao hơn cầu. Họ sản xuất nhưng tồn kho để giữ giá. Nếu lãi suất tăng, tồn kho sẽ đắt, hàng tung ra sẽ làm giá xuống nữa, ít nhất 20%.  Như vậy,  năm 2014-2015 lối ra của bô xit vẫn sẽ đen tối (tham khảo bài báo theo  đường link dưới đây).

          Có phương pháp “ngụy luận” khác là thay vì đưa ra các chỉ số đo lường kết quả và sự thành công, người ta hay quy về một số chỉ số định tính khó đo lường, mập mờ. Cần phải tiếp tục  cảnh giác với kiểu lập luận đưa mọi sự vào thế mập mờ để nói thể nào cũng được này (đã dốt lại còn tỏ ra “nguy hiểm”). Doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ ở các chỉ số tài chính, kinh doanh thì đưa ra khái niệm khó đo là  điều tiết vỹ mô, điều tiết thị trường. Chương trình đánh bắt cá xa bờ thay vì cần có các chỉ số đo lường hiệu quả bền vững của đồng vốn đầu tư thì lại viện cớ củng cố an ninh quốc phòng mơ hồ. Cuối cùng cũng đành thú nhận thất bại. Nhà máy Dung Quất thay vì sử dụng các chỉ số đầu tư đơn giản như NPV, IRR thì lại nhấn mạnh tới động lực phát triển miền Trung, cố tình “giật gấu, vá vai” bưng bít,  để mỗi năm lỗ 120 triệu đô la, tất cả lại đổ lên đầu tiền thuế của dân vv…Lợi ích nhóm sẽ tiếp tục hoành hành biến lãnh đạo thành "hoàng đế cởi truồng" trước bàn dân thiên hạ. Dự án tỷ đô Cảng Lạch Huyện đang tìm cách “lách luật” thì nguy cơ đi theo vết xe đổ đã hiển hiện rõ ràng.     
          Tàu cao tốc không làm xuyên Việt được thì cũng dự định “thí điểm” ở 1 đoạn để thúc đẩy phát triển du lịch miền Trung. Tới đây, không biết nhà máy hạt nhân có thí điểm không? Mà nói rộng ra đi lên Chủ nghĩa xã hội mà chẳng ai biết rõ nó là cái gì thì cũng lại là một cuộc thí điểm nhiều đời hết ông đến cha, giờ đã đến cháu chắt rồi. Ai là người đam mê “thí điểm” và tự cho mình có quyền “thí điểm” nhiều và với quy mô như vậy?  Cơ thể của đất nước, xã hội có thể chịu đựng nổi bao nhiêu lần thí điểm nữa đây?
          Một bài học sâu xa nữa là văn hóa tiếp thu phản biện xã hội. Không thể không đặt câu hỏi tại sao lãnh đạo đất nước lại mắc quá nhiều sai lầm như vậy?. Hầu như đụng đâu, sai đấy, làm đâu, hỏng đấy!  Quyết định càng lớn lại càng sai. Bên cạnh nhiều vị lãnh đạo tầm nhìn, tư duy, năng lực hạn chế  là đội ngũ tham mưu hỏng. Còn chốt kiểm soát cuối cùng là phản biện xã hội thì lại bị thù ghét thì còn ai chỉ dẫn, góp ý cho mình nữa.  Chuyện xảy ra quá nhiều lần. Chân lý của quyền lực đã thắng quyền lực của chân lý hết lần này đến lần khác. Riêng lần này, ai có thắc mắc về dự án bô xít,  xin nhớ lại lời của thứ trưởng Bộ Công thương  Lê Dương Quang, còn chụp mũ cho các trí thức là phản động!?   
Vấn đề không chỉ nằm trong việc tiếp thu phản biện xã hội  mà chính là hệ thống hiện hành không dung thứ ý kiến trái chiều với nhà cầm quyền. Cái gì cũng để Đảng và Nhà nước lo thì lo sao cho thấu. Mưu sỹ thì toàn lựa đám a dua, lựa theo ý cấp trên mà minh họa theo thì làm gì còn có khoa học nữa. Trung thần còn có mấy người? Không chỉ là văn hóa tiếp thu phản biện mà còn là văn hóa tự chịu trách nhiệm cá nhân. Những người to mồm về dự án bô xit này đi đâu cả rồi? Ai là người đưa ra chủ trương lớn? Ai là người xây dựng báo cáo khả thi?  Cái gốc cuối cùng vẫn phải là dân chủ hóa xã hội để mỗi quyết định quan trọng của đất nước được đưa ra đều phải có chất lượng dựa trên một quy trình khoa học, chuẩn mực.
Đã đến lúc Đảng, Quốc hội và Chính phủ phải nhận thức được rằng những tiếng nói phản biện xã hội không còn là những tiếng đàn bầu thánh thót du dương vì còn đâu những cánh đồng cỏ xanh non, những bờ xôi, ruộng mật, còn đâu những cánh rừng bạt ngàn Tây Nguyên vươn lên từ đất để bảo vệ đất. Những tiếng nói phản biện xã hội đang trở thành tiếng cồng, tiếng chiêng của Tây Nguyên hùng vĩ, là tiếng sóng gầm trong bão của biển Đông đang ôm ấp cái đất nước còng lưng hình chữ S mảnh mai đầy đau thương, bất hạnh này. Tiếng nói phản biện là tiếng lòng chắt lọc từ trí tuệ của các trí thức, người dân  có trái tim hàng đêm nhỏ máu trước vận nước.
Không thể chữa  các vết thương đã hoại tử bằng bông băng và thuốc đỏ. Từ dự án bô xít, (một chuyện trong hàng ngàn chuyện) Đảng tự đặt mình trên dân tộc, quốc gia rồi, vậy cần gì Quốc hội, cần gì Hiến pháp? Điều 4 Hiến pháp như khẳng định: "Cha là chủ gia đình". Đúng, Cha là chủ gia đình, theo nghĩa ấy mà trị quốc thì là "Nhân trị" chứ  không phải "Pháp trị". Vì có mấy ai làm cha mà có thương ghét các con công bằng, công tâm đâu. Vì thương ghét là phạm trù tình cảm, trạng thái tâm lý, cảm tính. Cả Quốc hội, Chính phủ, Tòa án đều do một "Cha" quyết thì thà rằng "Cha" làm luôn như trong chiến tranh, Đảng quyết hết mà có ai nói gì đâu?. Hoàn cảnh thời bình, tập tành với nền kinh tế thị trường cho nên phải học kinh nghiệm của những nước tiên tiến. Làm theo kiểu cũ, say mê thí điểm  thì sẽ còn biết bao bô xít, các Vina và những "dị nhân Hoàng Hữu Phước" xuất hiện làm điên đảo nhân quần! Đã đến lúc người dân không cho phép đem dân tộc ta, đất nước ta bị chính ta vày vật làm thí điểm bởi những tư duy tủy hứng, bất định và cả vụ lợi, để phải gánh chịu mọi đớn đau như con “chuột bạch” khốn cùng!

22 thg 2, 2013

Điều 4 của Hiến pháp 1980 đến Hiến pháp 1992


    Phát biểu tại Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Hiến pháp do Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (Văn phòng Quốc hội) và Tạp chí Pháp luật và phát triển (Trung ương Hội luật gia Việt Nam) tổ chức sáng nay 22.2, GS Nguyễn Minh Thuyết nêu lại một số thay đổi trong quy định tại Điều 4 của Hiến pháp năm 1980 đến Hiến pháp 1992 về vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN.
  Theo đó, tại Điều 4 Hiến pháp năm 1980 quy định Đảng CSVN là “lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội”. Đến Hiến pháp 1992, vai trò lãnh đạo của Đảng được sửa lại thành: Đảng CSVN là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội”.
GS Thuyết nhìn nhận, sau khi Hiến pháp được ban hành, Điều 4 trở nên có vị trí rất đặc biệt. Cả những lập luận chính thống trong nước cũng như những thế lực thù địch hiện nay đều cho rằng chỉ có giữ được Điều 4 mới giữ được vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN. Thiết tưởng, đó là những nhận thức mang nhiều định kiến.
“Bởi vì một khi Điều 2 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã khẳng định “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” và toàn bộ mô hình tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước đã thể hiện tính chất xã hội chủ nghĩa trong một bản hiến pháp được toàn dân đồng tình qua trưng cầu ý dân rồi thì dù không có Điều 4 cũng không ai xóa bỏ được chế độ xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ được vai trò lãnh đạo của Đảng ở nước ta”, GS Thuyết lý giải.
Cũng theo ông Thuyết, trong trường hợp xét thấy nhất thiết phải giữ Điều 4 như thể hiện trong Dự thảo thì “Hiến pháp cần quy định rất rõ phương thức lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội của Đảng để tránh tình trạng mất cân đối hiện nay: Quyền và nghĩa vụ của nhân dân, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan Nhà nước được quy định rất cụ thể, trong khi đó quyền và nghĩa vụ của lực lượng lãnh đạo cả nhân dân lẫn nhà nước là Đảng lại được quy định một cách khá sơ sài”.
Ông Thuyết cũng cho rằng, những nguyên tắc đang dẫn dắt đời sống chính trị nước nhà như Hiến pháp thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng (chứ không phải một khế ước xã hội), hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa các nghị quyết của Đảng hay những quyền lực thực tế của Đảng như xác định phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, bố trí nhân sự và lãnh đạo công tác của toàn bộ bộ máy nhà nước… cần được quy định trong Hiến pháp để đảm bảo “các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, và “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.
“Không có những quy định này, rất có thể dẫn đến xung đột quyền lực hoặc quyền lực của nhiều chủ thể mang tính hình thức”, GS Thuyết cảnh báo; đồng thời dẫn ví dụ: Hiến pháp quy định Chủ tịch nước “thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân” (khoản 5 Điều 93) nhưng ai cũng biết người thực sự thống lĩnh lực lượng này là Bí thư Quân ủy Trung ương, tức Tổng bí thư BCH Trung ương Đảng.
Hay như, Hiến pháp quy định Chủ tịch nước có quyền “đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ” (khoản 3 Điều 93) nhưng Chủ tịch nước không thể thực hiện được quyền này nếu không có nghị quyết của Bộ Chính trị hoặc BCH Trung ương Đảng.
Phát biểu thảo luận sau đó, ông Lê Tiến, hội viên Hội luật gia Việt Nam, đề nghị Hiến pháp sửa đổi nên có một chương riêng về Đảng, trong đó nêu rõ trách nhiệm cụ thể của Đảng với tư cách lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Hệ lụy coi thường phản biện


 Dự án bauxite ở Tây Nguyên vừa ra lò mẻ alumin đầu tiên đã cầm chắc lỗ và  còn khả năng tiếp tục thua lỗ dài dài bởi hàng loạt bất hợp lý đã không được đặt ra và nghiên cứu một cách thấu đáo. Dự án này, theo nhiều chuyên gia kinh tế và khai khoáng, trong đó có cả chuyên gia của Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), nên dừng lại càng sớm càng tốt.Nhân chuyện này xin đăng thư của GS Ngô Bảo Châu gửi về Việt Nam về chuyện bauxite(dangnba)
GS. TSKH Ngô Bảo Châu
Thư viết từ Princeton, ngày 27 tháng 5 năm 2009
Kính gửi Quí vị Đại biểu Quốc hội khóa 12:
Đã có khá nhiều phản biện thuyết phục về kinh tế, ảnh hưởng môi trường và an ninh của dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, tôi không có gì bổ sung thêm. Tôi mạn phép cầm bút viết cho Quí vị với tư cách là một công dân suy nghĩ và trăn trở với vận mệnh của đất nước. Phần lớn các Quí vị cũng như tôi không phải chuyên gia trong các vấn đề kể trên, nhưng với những tư liệu được cung cấp, chúng ta có thể chắt lọc một số sự thật hiển nhiên, gọi chúng bằng tên của chúng, sắp xếp chúng một cách có logic để mỗi người có thể có quan điểm riêng của mình. Đó là phương pháp làm việc khoa học mà qua trải nghiệm hàng ngày trong công việc của một nhà toán học, tôi biết nó không dễ dàng. Nhưng đó chính là trách nhiệm mà Nhân dân đã phó thác lên vai của Quí vị.

Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc dài và sâu như chính lịch sử Việt Nam. Người Việt Nam có phông văn hóa, cách suy nghĩ và ứng xử nhiều phần giống người Trung Quốc, không ít người Việt Nam có tổ tiên đến từ Trung Quốc. Quan hệ với Trung Quốc vừa là một phần hữu cơ vừa là một nguy cơ cho sự tồn vong của bản sắc Việt Nam. Đây là một dữ kiện lịch sử mà ta không nên mất thời gian bàn xem nó tốt hay xấu, đáng vui hay đáng buồn, mà dành thời gian để suy nghĩ đến hệ quả của nó. Suy nghĩ nghiêm túc có hệ thống tránh cho ta việc trong thời bình lại ứng xử tình thế như trong thời chiến: lúc thì "môi hở răng lạnh", lúc lại xua đuổi Hoa kiều mà nhiều gia đình đã gắn bó với mảnh đất này qua nhiều thế hệ.

Cái tôi muốn đề cập đến trong bức thư này không phải là quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc mà là chính sách "thực dân mới" của chính quyền Trung Quốc. Cũng như các nước Anh, Pháp trong thế kỷ mười chín, Mỹ trong thế kỷ hai mươi, công nghiệp Trung Quốc trong thế kỷ hai mốt phát triển như vũ bão. Hệ quả hiển nhiên là Trung Quốc hôm nay, cũng như các nước kể trên hôm qua, đói nhiên liệu, nguyên liệu và thị trường tiêu thụ các sản phẩm của mình. Như trong sách lịch sử cho học sinh phổ thông, ta gọi các nước Anh, Pháp cho quân đi chiếm thuộc địa là chính sách thực dân cũ, Mỹ trong thế kỷ hai mươi và Trung Quốc hôm nay dùng uy thế chính trị và kinh tế để dành nhiên liệu nguyên liệu và thị trường là chính sách "thực dân mới". Đây cũng là một dữ kiện lịch sử mà ta không nên mất thời gian bàn xem thực dân cũ, mới là tốt hay xấu, gọi tên như thế có quá đáng hay không, mà dành thời gian để suy nghĩ đến hệ quả của nó. Hệ quả cho các nước bị thực dân như ở châu Phi thì ta biết : tài nguyên khai thác bừa bãi, môi trường tàn phá, kinh tế phát triển lệch lạc do quá phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên kéo theo tệ tham nhũng và bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng.
Trung Quốc thực hiện chính sách "thực dân mới" một cách có hệ thống ở châu Phi, châu Mỹ la tinh và mọi nơi có nhiên liệu, khoáng sản trong đó có Việt Nam. Trong trường hợp của Việt Nam, ảnh hưởng quá mức của Trung Quốc có thể kéo thêm hệ quả nguy hiểm sau đây : quan hệ hữu cơ vốn có của văn hóa Trung Quốc với văn hóa Việt Nam trở thành đô hộ văn hóa. Đất nước, con người, văn hóa Trung Quốc có nhiều thứ để ta cảm phục và học tập. Nhưng nếu ta rập khuôn theo mô hình của họ, đi theo con đường họ đã đi, làm theo cái họ nói tức là cái họ muốn, thì ta chỉ nhận phần thiệt thòi, còn bản sắc ta thì tồn vong được bao lâu. Vấn đề độc lập văn hóa, giữ gìn bản sắc vô cùng hệ trọng, xin Quí vị lưu ý...
Xin quay lại vấn đề khai thác bô xít ở Tây Nguyên. Đọc tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc năm 2001 khi Tổng bí thư Nông Đức Mạnh sang thăm Trung Quốc và năm 2006 khi Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào sang thăm Việt Nam, ta nhận thấy một điều hiển nhiên là Trung Quốc rất quan tâm đến tài nguyên này và muốn ta khai thác bằng được. Trong những trường hợp như vậy, chỉ suy diễn ta cũng thấy việc này có lợi cho họ nhiều hơn cho ta.
Tuy nhiên, suy diễn thôi không đủ. Nghiên cứu kỹ Báo cáo của Chính phủ và các phản biện đặc biệt quan tâm đến những con số, cá nhân tôi có ý kiến sau đây :
1) Dữ kiện chính của vấn đề là Việt Nam có nguồn tài nguyên bô-xít lớn thứ ba thế giới chủ yếu tập trung ở Tây Nguyên. Dữ kiện này kéo theo sự quan tâm của các nước công nghiệp đói bô-xít chứ không kéo theo ta phải khai thác bô-xít. Về phía ta, dữ kiện trên kéo theo ta có thể lựa chọn có khai thác bô-xít hay không và nếu có, ta có thể lựa chọn thời điểm và qui mô thích hợp.
2) Báo cáo của Chính phủ cho biết qui hoạch bô-xít được lập trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng. Tại thời điểm này, kinh tế toàn cầu đi vào khủng hoảng, có nguy cơ kéo dài.
Dữ kiện chính về kinh tế vĩ mô không còn đúng nữa, không rõ hiệu quả kinh tế đã được tính toán lại như thế nào. Trong báo cáo của Chính phủ, phần chắc chắn là phần lỗ những năm đầu, vì là lỗ kế hoạch. Ngay cả tính toán giả định ta cũng chưa rõ là sẽ lỗ kế hoạch bao nhiêu năm. Phần lãi sau đó phụ thuộc vào nhiều giả thiết : giá nhôm tăng trở lại, mưa đủ để có nước rửa quặng, nhà nước đầu tư thêm vào đường sắt để vận chuyển quặng. Nếu cứ cho mỗi giả thiết sác xuất 50-50 như cách diễn đạt của lãnh đạo Than khoáng sản, sác xuất có lãi sau một số năm lỗ kế hoạch, nhiều nhất là một phần tám, chưa tính đến chi phí cho môi trường.
3) Diện tích sử dụng cho khai thác bô-xít dự kiến là 8,6% tỉnh Đắc Nông là một con số khổng lồ nếu ta nghĩ đó là 8,6m2 trên tổng diện tích 100m2 nhà của ta.
4) Báo cáo cho biết khai thác bô-xít không thể tránh khỏi ảnh hưởng nhất định đến môi trường và có nêu một số giải pháp công nghệ khắc phục. Trong các phản biện có nêu khó khăn đặc thù của ta là khai thác bô-xít ở đầu nguồn một số sông lớn như sông Đồng Nai, chưa có tiền lệ trên thế giới. Cá nhân tôi băn khoăn nhất chỗ thiếu hoàn toàn dự toán chi phí cho việc bảo vệ môi trường. Ngay trong nhưng trường hợp đơn giản hơn như Vedan, công nghệ thì đã có, nhưng vi phạm môi trường thì vẫn đỡ được 30% chi phí. Như vậy phần ảnh hưởng đến môi trường là phần chắc, phần bảo vệ môi trường còn phụ thuộc vào nhiều giả thiết, có cái phụ thuộc vào ta (chọn công nghệ), có cái không phụ thuộc vào ta (thời tiết, địa thế), có cái ta chưa tính toán đến (chi phí), vì vậy rất đáng lo.
5) Báo cáo cho biết dự án có ảnh hưởng tốt cho xã hội, cụ thể tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm cho nhân dân địa phương. Nếu so sánh với mức đầu tư hàng tỉ đô-la Mỹ, thì có nhiều cách hay hơn, an toàn hơn, hiệu quả kinh tế nhãn tiền hơn, để tạo vài ngàn việc làm. Lưu ý con số công ăn việc làm trong báo cáo tương đương với con số hộ dân bị di chuyển. Còn viễn cảnh xây dựng trung tâm dịch vụ, khách sạn, du lịch và giải trí xung quanh hồ chứa bùn đỏ, theo tôi, ít có sức thuyết phục. 
Xin nhắc lại, cũng như phần đông Quí vị, tôi không phải chuyên gia ngành khai thác khoáng sản, nhưng qua nghiên cứu kỹ Báo cáo của Chính phủ và các phản biện của nó, tôi nhận thấy trong Quy hoạch chung khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, phần có hại thì cầm chắc, phần có lợi thì mong manh. Bối cảnh kinh tế thế giới rất không thuận lợi cho khai thác nguyên liệu thô, vậy cái gì thúc đẩy ta triển khai khai thác ào ạt vào thời điểm này.
Khác với các nước Châu Phi thế kỷ mười chín, đất nước chúng ta là một quốc gia độc lập có chủ quyền. Quí vị, phần nhiều ở tuổi cha, tuổi chú của tôi, biết rõ hơn tôi : độc lập chủ quyền của ta không phải tự nhiên mà có. Nước ta có một Quốc hội do nhân dân bầu ra, một Chính phủ do Quốc hội chỉ định, một Quân đội phục tùng Chính phủ. Đó là một thành quả cũng không phải tự nhiên mà có.
Tôi kính mong Quí vị bỏ thời gian, nghiên cứu tường tận Báo cáo dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên, các phản biện khoa học của nó, lắng nghe ý kiến cử tri và suy nghĩ đến sự tồn vong của đất nước, để rồi xây dựng quan điểm riêng của Quí vị, trình bày nó rõ ràng trong nghị sự của Quốc hội và chịu trách nhiệm về nó trước các cử tri. Tôi rất biết đây là việc khó, nhưng dù Quí vị muốn hay không muốn, nhân dân đã đặt niềm tin lên vai của Quí vị.
GS. TSKH Ngô Bảo Châu
Giáo sư toán học Đại học Paris 11, Pháp,
Thành viên của Institute for Advanced Study, Princeton, Mỹ.
Địa chỉ hiện tại:
School of Mathematics
Institute for Advanced Study
Einstein Drive
Princeton NJ 08540 U.S.A.

16 thg 2, 2013

Tháng Giêng đi Lễ Chùa

  Bắc Ninh cách Hà Nội không xa, xe đi chưa đầy một giờ mà khác nhau đến thế, các chùa ở đây không chen lấn như Hà Nội,  người đi lễ phần lớn từ các nơi đến, bãi đỗ xe toàn biển HN.
  Năm nào cũng vậy cứ ngày 7 tháng Giêng cả họ sang chùa Đồng Nhân TP Bắc Ninh để thắp hương Bà L (chúng tôi gọi là bác) viên tịch tại chùa Đồng Nhân vào đầu thế kỷ XX, hiện nay nhà chùa đã xây tháp cho bà ở trong khu vực chùa.
  Nhà chùa đón tiếp rất chu đáo, cảnh chùa đẹp yên tĩnh giống như nhiều chùa ngày xưa tôi đến chơi.
(Ảnh chụp tại chùa Phật Tích và chùa Đồng Nhân)










Hà Nôi 5 tháng Giêng

14 thg 2, 2013

Chán như con gián


Hoàng Hữu Phước bàn về “tứ đại ngu” của Dương Trung Quốc

 (nháy chuột phải)


  Ukraine, Hy lạp, Hàn Quốc… các nghị sĩ Quốc hội thường xuyên xảy ra ẩu đả nhau vì bất đồng quan điểm do tranh cãi nhau một điều gì, có người đã phải nhập viện, nhưng sau đó vẫn bắt tay nhau vui vẻ. Còn ở ta một ông Nghị khùng hành xử kém văn hóa, thật "chán như con gián"
  Sáng nay một quan chức tầm cỡ điện cho tôi phải thốt lên “ Hãy đề nghị QH bãi miễn ông này khùng thật rồi”.
 Xin giới thiệu hai ý kiến của công dân mà nhiều người biết (dangnba)
Chuyên gia Nguyễn Quang A:
Tôi thực sự bị sốc khi nghe phát biểu của ông Phước. Nếu ông Phước chỉ với tư cách một cá nhân, đọc bài phát biểu ấy ở đâu đó và có người nghe, hẳn người ta cũng phải đặt dấu hỏi về hiểu biết, cách sử dụng thông tin và cách đặt vấn đề của ông. Song người ta cũng chẳng cần trách ông làm gì.
Nhưng ông là một đại biểu Quốc Hội, ông đã phát biểu công khai, chính thức trên diễn đàn Quốc Hội (QH).
Ông Phước “kính đề nghị QH loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ QH khóa XIII này”.
Tôi tự hỏi, một “đại diện của dân” lại đề nghị các “đại diện của dân” tước hai quyền con người cơ bản được hiến định của dân!
Theo ông, nếu lập hội: để “tạo nên các đối thủ bên ngoài hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vô hiệu hóa, tiến đến xóa sổ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”; “tạo nên các hội mới nằm bên trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như 44 thành viên hiện hữu để làm phong phú hơn tổ chức hùng mạnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” đều là không cần.
Lý do để ông loại luật biểu tình:
Theo ông, cuộc biểu tình đầu tiên xảy ra năm 1913 và mãi đến các năm 1960 mới xuất hiện từ ngữ “biểu tình” ở Mỹ rồi lan ra khắp thế giới.
Ông khẳng định, “ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay biểu tình là để chống lại Chính phủ nước mình hoặc chống lại một chủ trương của Chính phủ”.
Sự hiểu của ông về biểu tình là không đúng. Bất cứ ai biết đọc, biết dùng Google và không biết gì về biểu tình cũng có thể hiểu đúng về biểu tình sau 15 phút!
Rồi ông kết luận “Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh” như sự ô danh mà các cuộc biểu tình “chiếm phố Wall” gây ra cho nước Mỹ.
Ông bảo “đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn”. Không có thăm dò dư luận sao ông biết “đa số nhân dân sẽ”…?
Tôi thực sự bị sốc.
Doanh nhân Lê Kiên Thành:
Bài viết này muốn nói với những ai còn nhầm lẫn khái niệm về biểu tình.
Biểu tình là sự biểu lộ tình cảm của một tập thể, cộng đồng có chung cảm xúc, suy nghĩ. Thứ tình cảm chung đó, giới nghiên cứu gọi là tình cảm công thể hay tinh thần công cảm. Đó là phần tinh hoa, cao quý nhất của một cộng đồng, một dân tộc. Với thế giới hiện đại thì việc biểu thị tình cảm, nguyện vọng chung đó, từ lâu đã là một nhu cầu tất yếu. Ở Việt Nam, chúng ta đã từng biết biểu tình mạnh mẽ, hồn nhiên, công phu và quy mô.
Lần đầu tiên tôi được hòa nhập vào dòng thác biểu tình là một cuộc mà như bây giờ dễ bị gọi là “tụ tập đông người” vào năm 1961. Mặc dù lúc đó chúng tôi không được trực tiếp sống trong dòng thác biểu tình, bởi chúng tôi là những thanh niên sống ở miền Bắc. Nhưng tất cả tâm tưởng của những chàng trai cô gái xung quanh tôi lúc đó đều nhập vào dòng thác tinh thần ấy.
Khi đó những bà má, sinh viên, trí thức… tập trung trước trại giam Phú Lợi (Bình Dương) phản đối tội ác đầu độc tù nhân của chế độ Mỹ Diệm. Hàng ngàn bà con đã sát cánh bên nhau không dao súng, không đại bác, xe tăng hô vang những khẩu hiệu đả đảo chế độ Mỹ Diệm, phản đối tội ác phi nhân tính. Họ bất chấp hiểm nguy, bắt bớ. Và cũng từ âm vang cuộc biểu tình ấy, dư luận thế giới hưởng ứng, nội bộ địch nao núng và cuối cùng trại tù không những phải chấm dứt hành động man rợ mà còn phải đóng cửa vào ít năm sau.
Cũng chính những cuộc biểu tình của nhân dân miền Nam, với những chàng sinh viên phanh áo ngực trước lưỡi lê, họng súng đã thôi thúc hàng triệu chàng trai cô gái rời làng quê, gia đình, giảng đường để xung phong vào chiến trường. Những hình ảnh của đội quân tóc dài, hay những bà má giương cao biểu ngữ ở miền Nam đã vang động đến lương tri loài người, hối thúc công lý trong sâu thẳm mỗi trái tim người. Vì vậy mà trên khắp trái đất đã có Raymond Dien thời chống Pháp và ngọn đuốc Norman Morryson thời chống Mỹ cùng triệu triệu tiếng hô vang, vung nắm tay ủng hộ Việt Nam; làm lung lạc dã tâm thực dân đế quốc. Dùng sức mạnh biển cả đó chúng ta mới chứng minh được công lý, lẽ phải, chính nghĩa ở bên mình và phi nghĩa ở phía kẻ thù.
Tinh thần công cảm khi được bộc lộ, nếu là chính nghĩa hẳn sẽ tạo nên sức mạnh vô song. Không phân biệt màu da, ngôn ngữ, nó lay động và kích thích nhiều thế hệ, tầng lớp khác nhau. Đôi khi nó vượt trên sức mạnh ngoại giao, quân sự…
Đảng Cộng sản Việt Nam hơn 70 năm qua đã tận dụng khích lệ và phát huy được sức mạnh từ công cảm rất hữu dụng - biểu tình - để góp phần đưa dân tộc này từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Và khi chúng ta đã có chính quyền trong tay, việc luật hóa để biểu tình trở thành công cụ có ích cho Đảng, cho Chính quyền và người dân trong việc đấu tranh với cái xấu, cái phản cảm theo tôi là việc cần thiết.
Tôi không hiểu vì sao ĐBQH Hoàng Hữu Phước lại có thể gay gắt đến thế, hiểu sai đến thế về biểu tình?


9 thg 2, 2013

CHÚC MỪNG NĂM MỚI


Ngày này cách đây 42 năm, trên đường hành quân tham gia chiến dịch Đường 9- Nam Lào.
 Không nghĩ có ngày trở về hôm nay.
  Con xin khấu đầu lạy tạ trời đất, tổ tiên, Cô bác che trở hòn tên mũi đạn cho con trong cuộc chiến trành này.

5 thg 2, 2013

TRAO BẢN KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

ĐOÀN ĐẠI BIỂU CỦA NHỮNG NGƯỜI KÝ TÊN VÀO BẢN KIẾN NGHỊ VỀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992 TRAO BẢN KIẾN NGHỊ CHO ĐẠI DIỆN ỦY BAN SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
  Biết GS Nguyễn Minh Thuyết cùng đi, dangnba có hỏi GS, ông nói: Ít ra cũng làm cho Ủy ban sửa đổi HP phải suy nghĩ, hay nhất là tập hợp được các nhân sỹ cả nước cùng tham dự, trong Nam cũng ra.


Hồi 10h sáng thứ Hai 4-2-2013, một đoàn đại biểu gồm 16 nhân sĩ trí thức, đại diện cho 72 người đầu tiên trực tiếp ký tên và hàng ngàn đồng bào đã tham gia ký tên vào bản “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992”, đã đến Địa điểm tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân tại 37 Hùng Vương, Hà Nội, để trao bản Kiến nghị cho Ủy ban.
   Thành phần Đoàn đại biểu gồm: Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS, Hà Nội; Phan Hồng Giang, TSKH ngành nghiên cứu văn học, Hà Nội; Lê Công Giàu, nguyên Phó Bí thư thường trực Đoàn TNCS HCM – TPHCM, TPHCM; Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ KH & CN, Hà Nội; Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, Hà Nội; Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Hà Nội (vắng mặt đột xuất); Tương Lai, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội; Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội; Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH & KTVN, Hà Nội; Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hà Nội (Trưởng đoàn); Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, TPHCM; Nguyên Ngọc, Nhà văn, Hội An; Hoàng Xuân Phú, GS, Viện Toán học, Hà Nội; Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục & Thanh thiếu niên-Nhi đồng Quốc hội, Hà Nội; Nguyễn Trung, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội; Tô Nhuận Vỹ, Nhà văn, Huế.
Trước đó, Đoàn đã thông báo mời một số báo chí tới tham dự, đưa tin.
Tiếp Đoàn có ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Ban Biên tập dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và một số cán bộ trong Văn phòng Ủy ban sửa đổi Hiến pháp.
Phóng viên các báo Thanh niên, Tuổi trẻ, VietnamNet đều có mặt.
Sau đây là một số hình ảnh và nội dung phát biểu:
DSC01103
Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, Trưởng đoàn, ký vào văn bản gửi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992



.
Ông Lê Minh Thông: Thay mặt cho Ban biên tập, chúng tôi nhiệt liệt chào mừng các bác đến Văn phòng của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp để thăm và trao đổi công tác. Tôi xin giới thiệu tôi là Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Phó trưởng ban thường trực Ban biên tập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp. Xin được thay mặt Ban biên tập một lần nữa xin được kính chào các bác, chúc các bác sức khỏe (vỗ tay). Và thay mặt Ban biên tập, chúng tôi xin được rất hân hạnh lắng nghe ý kiến các bác. Làm việc với các bác hôm nay có tôi và các đồng chí chuyên viên của Văn phòng Ủy ban sửa đổi Hiến pháp. 
Ông Chu Hảo: Có lẽ anh Thông cho phép tôi được giới thiệu các thành viên trong đoàn (Nội dung như ở trên). Sau đây chúng tôi xin được mời Trưởng đoàn của chúng tôi phát biểu.
2 (1)
Ông Nguyễn Đình Lộc: Thực ra tôi và các anh bên Quốc hội cũng rất là quen, vì tôi …(cười) … Nhưng có lẽ theo tôi là chúng ta nên bình thường hóa cái quan hệ này đi, xem đây là một sinh hoạt rất bình thường, sinh hoạt dân chủ. Nhưng mà dù sao thì tôi cũng phải có vài lời cho rõ: 
Kính gửi Ủy Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Chúng tôi những công dân có tên trong danh sách 16 người kèm theo đại diện cho 72 người đã trực tiếp ký tên vào “Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992” và hàng ngàn người khác đã tham gia ký tên tiếp. Hôm nay đến địa điểm tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân tại 37 Hùng Vương để trao Bản Kiến nghị cho quý Ủy Ban.
Việc chuẩn bị cho Bản kiến nghị đã được thực hiện một cách công phu lấy ý kiến nhiều chuyên gia pháp luật, các vị nhân sĩ nguyên là lãnh đạo Quốc hội, Đảng, Chính phủ, các nhân sĩ tri thức đã từng tham gia nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc để sửa lỗi Hiến pháp trong những năm qua. 72 người đã đi đến nhất trí về ký tên ban đầu vào Bản Kiến nghị thể hiện ý thức trách nhiệm của mình đối với vận nước. Ngày 22 tháng 01 năm 2013, chúng tôi đã chính thức công bố toàn văn Bản Kiến nghị và Dự thảo trên trang mạng boxit để lấy ý kiến đóng góp của mọi người dân khắp trong và ngoài nước. Có hơn 2000 chữ ký nhất trí với nội dung Bản Kiến nghị, ngoài ra còn rất nhiều ý kiến đóng góp chân tình, có giá trị của người dân. Với mong muốn đem trí tuệ của mình, kiến thức tập thể, ý nguyện đông đảo người dân tới người có trách nhiệm nhất góp phần cho Bản Hiến pháp mới thực sự của dân, do dân, vì dân, những người tham gia xây dựng Bản Kiến nghị thống nhất cử một số đại diện đảm bảo Kiến nghị này trực tiếp gửi tới Ủy Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Ngoài bản Kiến nghị này, có tài liệu tham khảo là Bản Dự thảo Hiến pháp năm 2013 làm rõ các nội dung rất mới mẻ trong đó. Cũng để tăng cường hơn nữa ý kiến đóng góp của người dân, mong Ủy ban Dự thảo cho công bố với báo chí tóm tắt tinh thần Bản Kiến nghị này của chúng tôi. Đấy là tôi nói vắn tắt. (Ông Nguyễn Đình Lộc trao bản Kiến nghị cho ông Lê Minh Thông. Vỗ tay).
OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Ông Lê Minh Thông: Trước hết là thay mặt cho Ban biên tập, tôi xin được nhận Bản Kiến nghị của các bác. Và trách nhiệm của Ban biên tập là chúng tôi sẽ báo cáo với Ủy ban sửa đổi Hiến pháp về Kiến nghị của các bác, còn việc lắng nghe cái ý kiến kiến nghị như thế nào thì thuộc thẩm quyền của Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp. Trách nhiệm của chúng tôi sẽ chuyển đến tận tay các đồng chí trong Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp. Xin được cám ơn các bác! Các bác còn có ý kiến gì nữa không ạ?
Ông Nguyễn Đình Lộc: Tôi thì … tôi nghĩ những buổi như thế này thì cũng nên là ngồi lâu lâu tí chăng? Chúng ta tạo cái sinh hoạt dân chủ trong … của đất nước. Nên xem đây là sinh hoạt dân chủ, vì chúng tôi với tất cả thành tâm mà đến đây, không có một ý đồ nào khác. Và chắc các anh tiếp chúng tôi cũng vì … đây là những người thành tâm đến với chúng ta.  Nhưng mà … là sự ban đầu. Mọi sư ban đầu bao giờ cũng có cái bỡ ngỡ của nó. Nhưng mà ,trước lạ sau quen, tôi nghĩ rằng dần dần rồi chúng ta tạo ra cái không khí dân chủ, để mọi tiếng nói dân chủ đều có thể bọc bạch ra được.  Cho nên tôi nghĩ là … anh Trung xem có ý kiến gì thêm nói thêm nữa ? …
OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Ông Nguyễn Trung: Trước hết tôi rất hoan nghênh việc đồng chí đã đại diện cho Ủy ban sửa đổi Hiến pháp tiếp chúng tôi và tiếp nhận chính thức Bản Kiến nghị của chúng tôi và đồng thời tiếp nhận luôn cả cái Hiến pháp mẫu để tham khảo.
Cho tôi xin nói một vài suy nghĩ thế này. Hiến pháp là một việc cực kỳ hệ trọng, quyết định vận mệnh của một quốc gia, nó lại là một văn bản thiêng liêng nhất, tối cao nhất đối với cả nước. Cho nên tôi nghĩ rằng cái việc lần này tiến hành sửa đổi Hiến pháp là một cái sinh hoạt chính trị cực kỳ quan trọng của đất nước. Xin cho phép tôi nói thế này, một cách rất thẳng thắn: hiện nay phải nói rằng dư luận trong nước đã rất sôi nổi xung quanh vấn đề này. Rất không may là tự nhiên nó hình thành ra hai cái loại, xưa nay vẫn có một cái danh từ tôi không biết ai đặt cho, một bên là dư luận của báo chí “lề phải”, một bên là dư luận của báo chí “lề trái”. Tôi nghĩ rằng là cái sự phân chia như vậy nó rất không nên và tôi nghĩ rằng về phía nhà nước là những người đang trực tiếp được dân ủy nhiệm tiến hành những cái việc như thế này nên làm sao có một cái thống nhất hay là một cái trao đổi giữa các báo chí, giữa các luồng dư luận khác nhau để mà đừng có cái chuyện lề trái, lề phải nữa. Lề trái hay lề phải, nhưng mà vấn đề Hiến pháp là Hiến pháp của cả nước. Cho nên việc đầu tiên tôi xin đề nghị nên có một cái cách gì đó làm sao để mà có một cái thực sự một cái diễn đàn của nhân dân bàn về những vấn đề vận mệnh của đất nước. Đó là ý kiến thứ nhất.
OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Ý kiến thứ hai tôi cũng thấy rằng, tiếc rằng cho đến nay tất cả những báo chí chính thống của chúng ta hầu như là đứng ngoài cuộc. Và thậm chí là có những cái gì mà đưa lên thì lại đưa lên một chiều thôi. Còn rất nhiều cái ý kiến khác thì tôi thấy rằng là hầu như là vắng bóng, tôi nghĩ rằng là bây giờ nên giao nhiệm vụ cho các báo chí chính thống đang được nhà nước ủy nhiệm vai trò báo chí làm sao cũng phải sưu tầm những cái tiếng nói xây dựng chung quanh cái chuyện sửa đổi Hiến pháp này để thực sự nó trở thành một vấn đề thảo luận, chứ đừng để cho cái việc xây dựng Hiến pháp nó chỉ là một bên nói, một bên không nghe hoặc ngược lại. Thì như thế là nó không thể nào hình thành được một cái diễn đàn mà nhất là vấn đề xây dựng Hiến pháp bây giờ lại là vấn đề hết sức hệ trọng đối với đất nước.
Ý thứ ba cho phép tôi nói thế này, sự thực ra tình hình đất nước của chúng ta hiện nay đang có rất nhiều vấn đề vừa là những cái thách thức cực kỳ lớn, rất nguy hiểm nhưng mà đồng thời cũng là những cơ hội rất lớn. Cho nên tôi nghĩ rằng, việc sửa đổi Hiến pháp lần này hoặc là cái việc viết lại, viết Hiến pháp mới nó là cái cơ hội vô cùng lớn. Có thể từ cái chỗ này chúng ta tạo ra được một cái sức mạnh của dân tộc, cái ý chí của dân tộc để mà giải quyết những các thách thức đất nước bây giờ đang phải đối mặt cũng như là để giải quyết những các nhiệm vụ bây giờ đất nước phải làm.
Cho nên bây giờ chúng tôi rất thiết tha đề nghị với Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp quan tâm đến chuyện này và lưu ý đến những các đề nghị của chúng tôi. Nhất là chúng tôi thiết tha đề nghị nên có một diễn đàn công khai, cởi mở. Một cái diễn đàn này mà tôi nghĩ rằng là hoàn toàn trong tầm tay tổ chức chứ không phải là có vấn đề gì trừ phi là chúng ta sợ cái sự thảo luận công khai thì chúng ta không dám làm. Còn nếu chúng ta thật sự vì quan tâm đến vận mệnh của đất nước, thực sự là vì muốn cần phát huy cái ý chí của nhân dân, thực sự cần một cái sự đồng tâm nhất trí rất cao độ, nó gần như là một cái dạng Diên Hồng mới cho một thời điểm vô cùng quan trọng của đất nước, thì tôi đề nghị một cái diễn đàn như vậy. Dân tộc này hoàn toàn đủ trưởng thành để mà có một cái diễn đàn như vậy. Tôi không nghĩ rằng chúng ta làm được một cái diễn đàn như thế, những cái người nào xấu, những cái người nào mà muốn lật đổ cái đất nước Việt Nam này có thể có chân trong cái diễn đàn đó được. Đấy là một cái đề nghị rất thiết tha của chúng tôi. Xin hết.
OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Ông Lê Công Giàu: Tôi xin có ý kiến! Mấy hôm nay trong TP HCM cũng có một số cuộc họp, Câu lạc bộ Hưu trí, rồi vân vân … Một số anh em ngồi lại với nhau cũng có trao đổi về vấn đề sửa đổi Hiến pháp. Có một điều mà anh em đề nghị tôi rất là cấp bách đó là vấn đề kéo dài thời gian góp ý. Vì hiện nay quy định là 3 tháng mà “tháng giêng là tháng ăn chơi”, hết một tháng rồi. Mà ngay cái việc triển khai xuống cho đến tận tay người dân đến giờ này vẫn chưa có nhiều cái thông tin. Ngay Bản Dự thảo thì cũng chỉ mới đưa xuống một vài nơi. Cho nên tôi đề nghị cái này là … cái này là rất cấp bách: đề nghị gia hạn thời gian cho góp ý Hiến pháp, mà chúng tôi đề nghị, trong cái bản đề nghị chung này chúng tôi cũng đã có rồi đấy, rất nhiều anh em nhắc đi nhắc lại là nếu có dịp thì anh phải nói đề nghị Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp rồi trình ra cho cấp có thẩm quyền kéo dài cái này ra 1 năm thì mới đủ thời gian để anh em và dân chúng góp ý. Chứ đâu phải Hiến pháp là ai cũng có thể móc từ bụng ra nói được ngay mà phải trao đổi thảo luận và phải có thời gian để mà suy nghĩ, nghiên cứu. Thì tôi xin đề nghị là nhấn mạnh cái điểm thời gian là 3 tháng, mà trừ tháng tết là còn có 2 tháng rất là gấp. Không thể nào là một cái Hiến pháp mà có thể 5 năm, 10 năm, 20 năm nữa mới thay đổi mà lại chỉ có thể làm trong 2 tháng thì có lẽ đối với chúng ta ai cũng thấy cái điều đó nó quá cấp bách, rất là khó thực hiện. Và nếu như thế là sẽ làm qua loa, làm cho nó có hình thức thôi chứ không thể nào nó có chiều sâu được. Tôi xin hết.
7
Ông Phạm Duy Hiển: Tôi xin có một ý kiến, ngắn thôi. Chúng tôi ở đây cũng nhiều lần là cũng được các ban của Quốc hội mời đến để mà tham vấn về chuyện này chuyện khác, lần này thì không được mời nhưng mà chúng tôi tự động có cái ý kiến gửi. Tôi chỉ rất mong là làm thế nào những ý kiến này được phản hồi, mà tốt nhất là được phản hồi trong một cái cuộc ngồi lại giữa những người Sửa đổi Hiến pháp và những người lãnh đạo Quốc hội cùng đối thoại với chúng tôi để xem chúng tôi sai ở chỗ nào. Rất mong!
OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Ông Nguyễn Đình Lộc: Tôi xin phát biểu thêm một ý kiến. Hôm nay chúng ta nói đến Hiến pháp mà Hiến pháp thì chúng ta biết được về mặt lý luận chúng ta xác định rõ, mà ngay Tư sản cũng đã xác định rõ là luật cơ bản. Vừa rồi tôi cũng đột nhiên được đọc một tác phẩm về Mác, chính ông Mác cũng nói: Hiến pháp là luật cơ bản … Cái chữ “cơ bản” của ông ấy rõ lắm. Nhưng mà hiểu như thế nào được đầy đủ các từ đó, rồi tính đến cái việc vận dụng vào xã hội ta như thế nào? Thì có một điều mà tôi băn khoăn như thế này:
Thật ra, nhân dân đã quan tâm đến Hiến pháp chưa? Bao nhiêu người quan tâm? Người nông dân ai nghĩ đến Hiến pháp? Cho nên làm thế nào những cái dịp như chúng ta tổ chức lấy ý kiến hiện nay phải là một cái cơ hội để làm thế nào để tuyên truyền thật rộng rãi đến những kiến thức rất là cơ bản nhưng cũng là tối thiểu có thể đến được đối với người nông dân. Không thì người dân vẫn cứ dửng dưng mà mình thấy hơi lo, hơi lo là vì cơ bản như thế mà mình xem thường thì tức là tai họa rồi. Thật ra đấy là một sự lãng phí rất lớn trong quá trình phát triển cái nền văn bản pháp luật, nền văn bản Hiến pháp. Đấy là một sự lãng phí rất lớn. Nhưng mà vì tình hình nó như thế cho nên chúng ta có vẻ như là chấp nhận nó và xem đó như là một việc bình thường trong sinh hoạt của chúng ta. Cho nên rõ ràng đó là một tai họa. Vì vậy những dịp như chúng ta đang thực hiện hiện nay, thì phải thấy rằng đây là một thời cơ, cơ hội rất lớn cho chúng ta và các cơ quan có trách nhiệm, mà tôi nghĩ rằng là chính Quốc hội của chúng ta chứ không phải ai khác, phải là cơ quan đi đầu trong việc như vậy. Vì vậy tôi thấy rằng là nếu mà Quốc hội chúng ta lại lặng lẽ như thế này như hiện nay ý thì thực ra cũng là đáng tiếc. Nên như thế là một sự lãng phí rất lớn vì loài người đã đi đến cái Hiến pháp hàng 2, 3 thế kỷ nay rồi. Thế mà bây giờ chúng ta cứ lẽo đẽo chạy theo mà chạy không kịp chứ không phải chạy đuổi. Thường thường anh đi sau phải nhanh hơn anh đi trước thì thực tế bây giờ chúng ta lại lẽo đẽo đi sau. Và vì vậy mà cái kiến thức Hiến pháp rất cơ bản đó, hết sức thiêng liêng đó, hết sức quý giá đó, hết sức giá trị đó lại thật ra treo lơ lửng, ai cũng nhìn thấy được nhưng không ai thấy nó phải làm gì cả.
OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Cho nên tôi nghĩ rằng là không biết làm thế nào đây, phải chăng vừa rồi như anh Trung nêu ý kiến, phải chăng là phải biến những cái dịp này tổ chức nhiều hội thảo và tìm ra những cái ý kiến nó mạnh mẽ đối với nhau, để tìm ra cái… Và tôi nghĩ rằng anh em phải nói rằng là phía Nam mạnh hơn ở chỗ này, vì miền Bắc chúng ta có một thời gian dài là theo Hiến pháp Sô viết, mà Hiến pháp Sô viết là Hiến pháp Stalin, mà Hiến pháp Stalin, Hiến pháp Lênin là nói chuyên chính thôi. Bây giờ thì không khí khác hẳn. Nói đến Hiến pháp thì không thể nói đến chuyên chính. Đương nhiên đó là công cụ quan trọng nhưng mà nó chủ yếu không phải để chuyên chính, để mà thay đổi xã hội, để mà phát triển xã hội. Nhưng mà bây giờ ý kiến ấy chúng ta nói được với nhau, thuyết phục không đơn giản. Cho nên … không biết là … Có anh Thông chủ trì thế này là may quá, cho nên nêu vấn đề này để rồi làm thế nào để  tri thức Hiến pháp, văn hóa Hiến pháp nó lan rộng trong nhân dân như là làn sóng. Tôi nghĩ là rằng là một thuận lợi rất cơ bản, nếu bỏ qua là một sự lãng phí, đáng trách và đáng phê phán. 

.
Ông Tương Lai: Tôi thì cũng có dịp theo dõi và biết được anh Thông cũng đã có phát biểu trên diễn đàn Quốc hội, trên báo chí. Thế nó có một cái tình cờ thế này, ở trong đoàn hôm nay đi là có 3 người, trước hết là có anh Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư pháp, trưởng Ủy ban mà do Quốc hội và Bộ Khoa học công nghệ thành lập gọi là Ủy ban … gì nhỉ … duyệt về thảo luận Hiến pháp do anh Lộc làm trưởng ban(ông Lộc: cũ rồi) và anh Vũ Đức Khiển và tôi cũng có dịp được tham gia vào trong … Tôi nghĩ cách đây cũng 5 năm rồi anh Lộc ạ, và hôm ấy ông Lộc có một cái kết luận tôi nhớ mãi sau đó ông Nguyễn Khánh cũng là thành viên của Ban ấy cũng nhấn mạnh là các anh lưu ý ý anh Lộc là cái đề tài mà Bộ Khoa học công nghệ trao hồi ấy cho cái viện của anh Đường, sau này là anh Thảo phụ trách đấy, là lập một cái đề tài cấp nhà nước về sửa đổi Hiến pháp. Mà phải thành đề tài cấp nhà nước và làm trong mấy năm, một cái chi phí khá lớn, cái số tiền bỏ ra khá lớn nhưng mà vấn đề là làm thế nào để qua cái này nâng cao hiểu biết về pháp luật, về dân trí. Bởi vì muốn nói thực thi dân chủ mà dân, trình độ dân không am hiểu về luật pháp, không có tinh thần thượng tôn luật pháp thì rất khó để mà thực thi dân chủ.
Từ bấy đến nay thì vô hình chung hôm nay cả 3 thành viên đó có mặt trong đoàn đến đây để mà đưa cái kiến nghị ra. Thì chúng tôi nghĩ như thế này, tại sao chúng tôi làm cái việc kiến nghị sửa đổi Hiến pháp và trong một thời gian vắn tập trung cao độ trí tuệ của một nhóm người. Bên cạnh cái kiến nghị là đưa ra một cái dự thảo Hiến pháp mới dựa trên những cái thành tựu mà như là anh Lộc đã trình bày, vượt qua cái thời kỳ, cái tư duy của Stalinit, Maoit về chuyên chính vô sản. Và đã gọi là chuyên chính vô sản thì không thể có một cái Hiến pháp là công cụ của dân để mà kiểm soát nhà nước.
OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Thực chất Hiến pháp là Bộ luật cơ bản để mà ai kiểm soát ai, là dân kiểm sát cái quyền lực, để dân trao quyền mà không bị mất quyền. Đó là cái bi kịch lớn nhất của loài người từ xưa đến nay mà đến bây giờ vẫn chưa vượt qua được. Nhưng mà dù sao những thành tựu của văn minh nó cũng đã bước những cái bước tiến để nó đạt tới cái chỗ là dân qua công cụ của pháp luật mà trước hết là qua Hiến pháp – cái đạo luật cơ bản mà anh Nguyễn Đình Lộc vừa nói để mà kiểm soát quyền lực của nhà nước, để nhà nước không phải muốn làm gì thì làm mà nhà nước chỉ làm được những cái việc mà luật pháp cho phép, còn dân thì được làm tất cả những việc gì mà luật pháp không cấm. Và như vậy thì không thể có khái niệm về chuyên chính vô sản được, cho nên cái đó phải loại trừ ra khỏi đời sống tinh thần của đất nước thì mới có thể bàn tới chuyện Hiến pháp. Chừng nào còn giữ cái tư duy ấy, chừng ấy không thể có Hiến pháp và mọi cái sự sửa đổi vụn vặt đều trở nên vô nghĩa. Cái tinh thần ấy chính là tinh thần chúng tôi đưa ra trong Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp. Và đó cũng là tinh thần mà trí tuệ dồn vào để đưa ra như là một tài liệu tham khảo về Hiến pháp sắp tới của một nước Việt Nam dân chủ.
OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Chúng ta đã bao nhiêu núi xương sông máu đổ ra để giành được độc lập, nhưng mà có độc lập mà không có tự do, không có dân chủ, không có hạnh phúc thì độc lập không có ý nghĩa gì. Điều này thì nó trở thành câu nói cửa miệng của mọi người rồi. Nhưng mà trên thực tế chúng ta mới có độc lập nhưng mà chúng ta chưa có dân chủ, chưa có tự do. Trên thực tế cho đến hiện nay là nông dân, bà con Dương Nội vẫn đang ngồi biểu tình và trên những cái video mà phi chính thức đó, ngoài luồng đó thì vẫn thấy là dân… Mặc dầu là trong những cái diễn văn thì chưa bao giờ những cái từ “vì dân”, “phục vụ dân”, “gần dân” nó lại nhiều như bây giờ. Và dân nói là gần dân, phục vụ dân và đừng thụi dân như người ta đang thụi dân trên, ngay cả vấn đề đối với bà con Dương Nội, bà con Văn Giang. Cho nên cái Hiến pháp này tôi đề nghị, nhân ở đây thì đề nghị là các vị ở trong cái … tiếp nhận ý kiến sửa đổi Hiến pháp làm sao để lắng nghe cho được cái tiếng nói của dân. Và trong tiếng nói của dân thì có tiếng nói của cái nhóm trí thức mà chúng tôi đã kiến nghị, thì chúng tôi xin có ý kiến thêm là như vậy.
OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Ông Nguyễn Đình Lộc: Thôi như thế có lẽ cũng là … Mở đầu tôi nghĩ cũng là tốt rồi. Mong có thể được gặp lại. Và thay mặt cho các đồng chí anh em ở đây xin được cám ơn đồng chí Thông và tất cả anh em ở Ủy ban đã giành thời gian ưu tiên cho chúng tôi trong những ngày bận rộn này của các anh để tiếp chúng tôi, tuy cũng không được dài lắm nhưng cũng đậm đà rồi đấy. Tin xin chia tay, cám ơn. 
Ông Lê Minh Thông: Một lần nữa tôi xin thay mặt cho Ban biên tập chúng tôi xin cám ơn các bác đã bố trí thời gian đến trực tiếp gặp Ban biên tập và chúng tôi sẽ chuyển Kiến nghị của các bác đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét các Kiến nghị của các bác. Tết Nguyên đán sắp tới, xin thay mặt Ban biên tập chúc sức khỏe các bác, chúc cho một Năm mới các bác và gia đình dồi dào sức khỏe và đón Mùa Xuân hết sức an lành. Xin tạm biệt các bác. (Vỗ tay).
OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Ông Nguyễn Đình Lộc bắt tay ông Lê Minh Thông
9
Hàng thứ nhất, từ trái: Hồ Uy Liêm, Nguyễn Trung, Phạm Chi Lan, Nguyên Ngọc, Nguyễn Đình Lộc, Huỳnh Tấn Mẫm, Tương Lai, Nguyễn Minh Thuyết, Tô Nhuận Vỹ.
Hàng thứ hai, từ trái: Lê Công Giàu, Chu Hảo, Nguyễn Quang A, Phạm Duy Hiển, Hoàng Xuân Phú, Phan Hồng Giang. (Ảnh: Lê Kiên).
—–